Đã 70 tuổi nhưng sức vẫn còn sung, người nông dân Đồng Tháp âm thầm nuôi thứ "kho báu dưới nước", năm nào thu hoạch cũng mang về hàng tỷ đồng
Từ một cán bộ hưu trí ở Đồng Tháp, một nông dân đã tiên phong nuôi giống quý hiếm mới, giờ mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Lão nông tiên phong nuôi cá hô thương phẩm
Ở xã Mỹ Tịnh An, tỉnh Đồng Tháp, nhắc đến người nông dân Trần Văn Bảnh – hay còn gọi thân mật là ông Hai Bảnh, người dân nơi đây đều tỏ lòng nể phục. Ở tuổi 70, trong khi nhiều người đã an nhàn tuổi già thì ông vẫn ngày ngày cần mẫn bên ao cá, chăm sóc gần 3.000 con cá hô thương phẩm tại trang trại của gia đình.

Từ năm 2010, khi Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản Nước ngọt Nam Bộ triển khai thí điểm mô hình nuôi cá hô – loài cá nước ngọt quý hiếm – tại địa phương, ông Bảnh là một trong những nông dân tiên phong tham gia. Nhận thấy cá hô dễ nuôi, ít bệnh, phù hợp môi trường, ông mạnh dạn mở rộng quy mô sau giai đoạn thử nghiệm ban đầu.
Hiện tại, ông sở hữu 3 ao nuôi cá tại nhà với tổng diện tích 1,5 ha, thả khoảng 3.000 con cá hô. Cá phát triển nhanh, con lớn nhất đạt 50kg, nhỏ nhất hơn 10kg, giá bán từ 450.000 – 550.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu tiền tỷ mỗi năm.
Nuôi cá hô: ít rủi ro, giá trị cao
Cá hô – loài thủy sản quý hiếm có nguồn gốc sông Mê Kông vốn nổi tiếng với chất lượng thịt ngon, nhưng chưa phổ biến trong nuôi trồng vì thời gian sinh trưởng dài. Tuy nhiên, ông Bảnh lại tìm ra công thức nuôi phù hợp với vùng Đồng bằng sông Cửu Long: nguồn nước sạch, ánh sáng ổn định, kết hợp tảo xanh tự nhiên và thức ăn công nghiệp dặm thêm.
Ông chia sẻ: “Cá hô sống dai, khỏe, ít bệnh. Mỗi ngày cho ăn một lần cũng được, thậm chí 2–3 ngày/lần vẫn ổn. Nuôi càng lâu, mật độ cá thưa dần thì càng mau lớn. Nhưng không được thả xen kẽ vì cá nhỏ sẽ không phát triển tốt”.

Với cách làm kiên trì, khoa học, ông Bảnh không chỉ tạo thu nhập ổn định mà còn giữ được chất lượng cá theo kiểu gần như hoang dã, không dùng thuốc, không ô nhiễm. Nhờ đó, đàn cá hô của ông luôn được các thương lái săn đón, cung cấp cho nhiều thị trường trên cả nước.

Ông Phan Minh Luận, chủ cơ sở kinh doanh cá nước ngọt tại xã Long Định (Đồng Tháp), nhận xét: “Chú Hai Bảnh là người đầu tiên nuôi cá hô thành công ở miền Tây. Chất lượng cá rất ngon, nhờ nuôi dài ngày, nguồn nước sạch, không dùng thuốc. Mô hình của chú rất đáng học hỏi”.
Mô hình mở rộng, lan tỏa giá trị nông nghiệp bền vững
Không dừng lại ở trang trại tại gia, năm 2017, ông Bảnh tiếp tục hợp tác cùng các cộng sự mở rộng mô hình nuôi cá hô tại khu vực Láng Biển, xã Tân Thuận Bình, với diện tích gần 6 ha, nuôi thêm 5.500 con. Đến nay, đàn cá đã đạt trung bình trên 10kg/con, chuẩn bị bước vào giai đoạn xuất bán thương phẩm.
Tổng cộng, ông đang quản lý gần 8.500 con cá hô, tạo thành đàn cá hô thương phẩm quy mô lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh nuôi cá, ông Bảnh còn đầu tư thêm 3 nhà dẫn dụ chim yến, thu về mỗi tháng gần 10 kg tổ yến, nâng cao thu nhập, đa dạng nguồn tài chính và tận dụng tối đa tài nguyên đất, không gian.
Đặc biệt, dù đã nghỉ hưu sau thời gian dài công tác xã hội, ông vẫn giữ thói quen lao động, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa làm gương cho con cháu. Với ông, nuôi cá hô không chỉ là nghề mà còn là đam mê, là cách để đóng góp cho quê hương.
Mô hình nuôi cá hô của ông Trần Văn Bảnh không chỉ cho thấy tiềm năng to lớn của ngành thủy sản ở miền Tây, mà còn là minh chứng điển hình cho tư duy đổi mới của nông dân Việt Nam hiện đại – dám nghĩ, dám làm, đầu tư bài bản và gắn bó dài lâu với nông nghiệp bền vững.