Từ vùng trũng vụ được, vụ mất, nông dân Hải Phòng đi nuôi "thỏi vàng" trong hồ tạo thương hiệu riêng, tiền cứ thể đổ về
Một nông dân 8X tại Hải Phòng đã tiên phong chuyển đổi sang mô hình độc lạ. Không chỉ thành công về thu nhập, anh còn lan tỏa cảm hứng khởi nghiệp.
Chuyển mình từ ruộng sâu sang hồ cá rực rỡ
Giữa vùng đất trũng từng “một vụ ăn, một vụ thua” xã Kiến Hưng, TP Hải Phòng, anh Vũ Văn Quân – một nông dân 8X đã lựa chọn một con đường khác biệt: từ bỏ canh tác lúa để nuôi cá Koi Nhật Bản theo mô hình hiện đại, gắn với tư duy kinh tế tuần hoàn.

Năm 2010, giữa lúc nhiều hộ còn ngần ngại với sự thay đổi, anh Quân là một trong những người đầu tiên đề xuất chuyển đổi mô hình sử dụng hơn 14ha đất trũng sang nuôi trồng thủy sản. Sau vài năm nuôi các loại cá truyền thống, anh nhận thấy nhu cầu chơi cá cảnh, đặc biệt là cá Koi, đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, trong khi nguồn cá chất lượng cao còn hiếm. Từ đó, anh chọn hướng đi riêng – đầy thách thức nhưng cũng giàu tiềm năng.
Trang trại hiện tại của anh rộng hơn 5ha, quy hoạch bài bản với hệ sinh thái đa dạng và cảnh quan xanh mát, trở thành một mô hình kinh tế nông nghiệp tích hợp độc đáo giữa vùng nông thôn ven đô.
Bí quyết thành công: cá giống chất lượng, thức ăn sạch và tư duy 4.0
Yếu tố đầu tiên làm nên thành công của anh Quân là lựa chọn giống cá Koi bố mẹ từ các dòng Kohaku, Sanke, Showa nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản. Từ nguồn giống thuần chủng, anh chủ động nhân giống trong nước, kiểm soát chặt chẽ chất lượng qua từng giai đoạn phát triển.
Theo chia sẻ, mỗi năm trại cá có thể sinh sản ra hàng trăm vạn cá bột, nhưng thông qua quy trình tuyển chọn nghiêm ngặt, chỉ khoảng 1–2% cá con đạt tiêu chuẩn mới tiếp tục được nuôi dưỡng. Đến giai đoạn cá trưởng thành, việc sàng lọc càng khắt khe hơn nhằm đảm bảo sản phẩm bán ra đạt chất lượng cao nhất về màu sắc, hình thể và giá trị thương mại.
Song song với việc chọn giống, anh Quân đã tự phát triển hệ thống sản xuất thức ăn sạch cho cá từ ấu trùng ruồi lính đen (sâu canxi) – loại thức ăn giàu đạm, canxi và thân thiện với môi trường. Mỗi ngày, trang trại có thể sản xuất 3–5 tạ sâu, giúp cá phát triển tốt, hạn chế bệnh tật và giảm chi phí đầu vào.

Bên cạnh kỹ thuật và sản phẩm, tư duy kinh doanh hiện đại đã đưa mô hình của anh Quân tiếp cận thị trường hiệu quả. Không phụ thuộc thương lái, anh chủ động xây dựng thương hiệu cá Koi cá nhân qua Facebook, YouTube, TikTok, thực hiện livestream, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chọn cá, tạo lòng tin và thu hút khách hàng trên toàn quốc.
Gắn phát triển kinh tế với trách nhiệm cộng đồng
Không chỉ nuôi cá, trang trại còn kết hợp trồng dừa xiêm, nuôi gà chọi, chó cảnh, trồng lan và mai tạo cảnh quan sinh thái, đa dạng nguồn thu và tận dụng tối đa tài nguyên. Mô hình kinh tế tuần hoàn này giúp tối ưu hóa đất đai, tạo hệ sinh thái bền vững trong nông nghiệp.

Trong quá trình phát triển, anh Quân luôn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Như đợt bão Yagi năm 2024, xã và huyện đã trực tiếp hỗ trợ anh tiêu độc khử khuẩn, khơi thông kênh mương giúp ổn định lại sản xuất.
Trang trại hiện tạo việc làm cho 7–10 lao động địa phương, với thu nhập ổn định 7–10 triệu đồng/tháng – một con số đáng kể ở vùng nông thôn.
Với những thành tích vượt trội, anh Quân được khen thưởng ở nhiều cấp và được kết nạp vào Đảng năm 2021. Sự ghi nhận đó không chỉ dành cho một cá nhân nỗ lực, mà còn là tấm gương cho thế hệ nông dân trẻ, sẵn sàng đổi mới, ứng dụng công nghệ, biết nắm bắt cơ hội thị trường để làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.