Thuế - Bảo hiểm

Không chỉ khối tư nhân, một Đài Truyền hình cũng chậm đóng bảo hiểm xã hội hàng chục tỷ đồng

Nguyễn Đăng 10/07/2025 15:09

Hơn 20.200 doanh nghiệp tại Hà Nội đang nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn kéo dài. Nhiều cái tên nổi bật như Apax English, LILAMA3… nợ hàng chục tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội khu vực I mới đây đã công bố danh sách 20.214 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp từ hai tháng trở lên, tính đến ngày 30/6/2025.

Đáng chú ý nhất trong danh sách là Công ty CP Anh ngữ APAX, đơn vị sở hữu chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax English, với số tiền nợ bảo hiểm xã hội lên tới hơn 62 tỷ đồng, tương ứng với 64 tháng chưa thực hiện nghĩa vụ đóng. Đây là doanh nghiệp đứng đầu về cả thời gian lẫn số tiền chậm đóng trong toàn bộ danh sách.

doanh nghiệp chậm đóng bhxh
Danh sách đơn vị chậm BHXH, BHYT, BHTN Danh sách đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tháng 6/2025

Xếp ngay sau là Công ty CP LILAMA3 – doanh nghiệp ngành xây dựng cơ khí với số nợ hơn 48 tỷ đồng trong vòng 123 tháng, tương đương hơn 10 năm. Một số doanh nghiệp khác thuộc hệ thống CIENCO1 cũng ghi nhận mức nợ rất lớn. Chẳng hạn, Công ty CP 116 – CIENCO1 chậm đóng tới 171 tháng với số tiền hơn 20,8 tỷ đồng; Xí nghiệp cầu 17 – CIENCO1 chậm đóng 100 tháng, nợ hơn 19,1 tỷ đồng. Các con số cho thấy tình trạng chây ỳ kéo dài trong nhiều năm mà chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Một trường hợp gây chú ý khác là Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội, đơn vị truyền thông thuộc cơ quan nhà nước, đang chậm đóng 16 tháng với số tiền hơn 23,2 tỷ đồng. Sự hiện diện của một cơ quan báo chí công lập trong danh sách này cho thấy tính nghiêm trọng và lan rộng của vấn đề, không chỉ xảy ra tại khu vực doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục khác cũng xuất hiện trong danh sách, như Công ty CP Giáo dục Tư duy và Sáng tạo Quốc tế CMS với hơn 11,9 tỷ đồng nợ bảo hiểm trong 53 tháng, hay Chi nhánh Công ty CP Đào tạo AMES tại Hà Nội với gần 6,7 tỷ đồng nợ trong 20 tháng.

Không chỉ riêng các doanh nghiệp lớn, nhiều công ty vừa và nhỏ cũng đang nợ bảo hiểm xã hội kéo dài từ 5 đến hơn 10 năm. Trong số này có những đơn vị có thời gian chậm đóng lên đến 150 – 180 tháng, tức từ năm 2010 đến nay. Các lĩnh vực xuất hiện trong danh sách rất đa dạng, từ xây dựng, bất động sản, truyền thông cho đến giáo dục, dệt may, thiết bị công nghiệp.

Việc chậm đóng BHXH không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Họ có thể mất quyền được hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, hoặc không đủ điều kiện tính lương hưu nếu thời gian đóng không liên tục. Trong nhiều trường hợp, người lao động chỉ phát hiện quyền lợi của mình bị ảnh hưởng khi đã nghỉ việc hoặc có nhu cầu giải quyết chế độ, lúc này việc truy cứu trách nhiệm doanh nghiệp thường rất khó khăn.

Xem chi tiết Danh sách đơn vị chậm BHXH, BHYT, BHTN Danh sách đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tháng 6/2025 tại đây

Nguyễn Đăng