Kiến thức

Tuyến đường sắt cao tốc xuyên sa mạc nóng 50oC, công nghệ đến từ xứ lạnh châu Âu

Tuấn Anh 10/07/2025 14:46

Đây là tuyến đường sắt cao tốc kết nối hai thành phố linh thiêng, phục vụ hàng triệu người hành hương mỗi năm.

Haramain – Biểu tượng hạ tầng kết nối thánh địa giữa lòng sa mạc

Trong nỗ lực hiện đại hóa toàn diện đất nước, Ả Rập Xê Út đã xây dựng Haramain High Speed Railway – tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Trung Đông, dài khoảng 450 km, nối liền hai thánh địa linh thiêng của Hồi giáo là Mecca và Medina. Đây là tuyến đường sắt không chỉ mang tính biểu tượng mà còn có chức năng đặc biệt: phục vụ hàng chục triệu người hành hương Hajj và Umrah mỗi năm, trong điều kiện sa mạc khắc nghiệt.

Haramain High Speed Railway
Tàu cao tốc Haramain sử dụng công nghệ đến từ Tây Ban Nha

Trước khi có Haramain, việc di chuyển giữa Mecca và Medina bằng ô tô hoặc xe buýt mất từ 6–8 tiếng, hoặc phải bay với chi phí cao và thời gian chờ đợi kéo dài. Giờ đây, hành trình chỉ mất khoảng 2 giờ 20 phút, với tốc độ tàu lên tới 300 km/h, tiện nghi, an toàn và ổn định.

Tuyến Haramain đi qua các thành phố chiến lược như Jeddah, Sân bay quốc tế King Abdulaziz, Khu kinh tế KAEC, trước khi đến Medina, tạo nên một hành lang vận tải huyết mạch phục vụ cả tôn giáo và phát triển kinh tế.

Công nghệ châu Âu giữa sa mạc Ả Rập

Dự án Haramain là kết quả của sự hợp tác giữa chính phủ Ả Rập Xê Út và một liên danh các doanh nghiệp Tây Ban Nha như Renfe, Talgo, Adif, OHL. Đoàn tàu Talgo 350 SRO – phiên bản tùy chỉnh cho điều kiện sa mạc được thiết kế để chịu nhiệt độ trên 50°C, chống bụi mịn và bão cát.

Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt áp dụng công nghệ tín hiệu ETCS Level 2, vận hành hoàn toàn bằng điện, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn châu Âu. Các nhà ga tại Mecca và Medina được thiết kế theo kiến trúc Hồi giáo đặc trưng, mang tính biểu tượng cao và phù hợp với không gian tôn giáo.

Haramain High Speed Railway 1
Để có 1 tuyến đường sắt cao tốc băng qua địa hình sa mạc khô cằn, có thể thấy công nghệ đến từ Tây Ban Nha rất tốt

Tuyến Haramain không chỉ giải quyết bài toán vận tải mùa hành hương mà còn hỗ trợ phát triển các khu đô thị vệ tinh, kết nối với sân bay quốc tế và các trung tâm kinh tế vùng như thành phố KAEC, tạo thành mắt xích trong chiến lược giảm phụ thuộc dầu mỏ của Ả Rập Xê Út, hướng đến nền kinh tế dịch vụ và hậu cần.

Cơ hội cho Việt Nam học hỏi và hợp tác công nghệ đường sắt cao tốc

Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, câu chuyện thành công của Haramain không chỉ mang tính tham khảo mà còn mở ra triển vọng hợp tác song phương Việt Nam – Tây Ban Nha.

Tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc về đại dương (UNOC 3) ở Pháp vào tháng 6/2025, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã gặp và hội đàm với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp đường sắt – nơi Tây Ban Nha đang nắm giữ vị trí quốc gia có mạng lưới đường sắt cao tốc dài thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam muốn cử nhóm công tác sang Tây Ban Nha để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận mô hình thiết kế – vận hành đường sắt cao tốc, cũng như thảo luận về chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực. Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác, cho rằng đây là lĩnh vực có tiềm năng bổ trợ rõ rệt giữa hai nền kinh tế.

Haramain – bài học cho tầm nhìn hạ tầng Việt Nam

Tuyến đường sắt cao tốc Haramain đã chứng minh rằng, ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt như sa mạc Ả Rập, hạ tầng hiện đại vẫn có thể triển khai hiệu quả nếu có chiến lược rõ ràng, đối tác công nghệ phù hợp và cam kết lâu dài của chính phủ. Sự kiện Haramain cũng là minh chứng cho tính linh hoạt của công nghệ châu Âu khi được điều chỉnh phù hợp với đặc thù bản địa.

Với Việt Nam, trong hành trình xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam, việc học hỏi mô hình quốc tế như Haramain, kết hợp với hợp tác chiến lược cùng các quốc gia có kinh nghiệm như Tây Ban Nha, sẽ là bước đi cần thiết để đảm bảo dự án được triển khai bền vững, hiện đại và đồng bộ. Không chỉ đơn thuần là hạ tầng giao thông, đường sắt cao tốc còn là hạ tầng phát triển quốc gia.

Tuấn Anh