Chính sách - Đầu tư

Sau sáp nhập Gia Lai - Bình Định, một phương án mới về trung tâm hành chính vừa được thông qua

Nguyễn Trang 10/07/2025 13:00

Sau khi sáp nhập tỉnh Gia Lai và Bình Định, UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức họp bàn phương án liên quan đến trung tâm hành chính.

Tăng cường quản lý nhà nước sau sáp nhập

Ngày 9/7, tại phường Pleiku, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch đã chủ trì cuộc họp với đại diện 14 sở, ngành để bàn phương án bố trí bộ phận thường trực tại cơ sở hành chính số 2 sau khi tỉnh Gia Lai – Bình Định sáp nhập. Cuộc họp tập trung thảo luận về nhân sự, điều kiện làm việc, cũng như các chính sách liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả vận hành hành chính tại khu vực phía Tây của tỉnh mới.

Trung tâm hành chính Gia Lai
Trung tâm hành chính cơ sở 2 đặt tại phường Pleiku sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người dân và nhiều cán bộ

Phát biểu chỉ đạo, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch khẳng định việc thiết lập cơ sở 2 tại Pleiku là cần thiết và cấp thiết, đảm bảo sự hiện diện hiệu quả của chính quyền ở khu vực Tây Nguyên. Việc này không chỉ duy trì hoạt động điều hành tại địa phương cũ mà còn giúp triển khai kịp thời chính sách, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh.

Đại diện các sở, ngành đã kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành hướng dẫn về cơ chế tài chính, phụ cấp, cũng như tiến hành cải tạo trụ sở hành chính cũ tại Pleiku để đáp ứng yêu cầu công việc.

Gia Lai mới: Địa bàn rộng lớn, tổ chức hành chính cần thích ứng

Sau sáp nhập, tỉnh Gia Lai mới có diện tích tự nhiên hơn 21.550 km², lớn thứ hai cả nước (sau tỉnh Lâm Đồng mới), với dân số khoảng 3,5 triệu người. Trung tâm chính trị – hành chính tỉnh được đặt tại Quy Nhơn, trong khi địa bàn Tây Nguyên vẫn cần một trung tâm điều phối cấp vùng.

Trung tâm hành chính Quy Nhơn
Trung tâm hành chính tại TP. Quy Nhơn cũ

Do đó, cơ sở 2 tại Pleiku được xác định là trung tâm hành chính vùng, đóng vai trò quản lý nhà nước tại khu vực Gia Lai cũ, giám sát triển khai chính sách và theo dõi việc thực hiện pháp luật tại cơ sở. UBND tỉnh Gia Lai sẽ tiếp thu các đề xuất và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để hoàn thiện phương án.

Trong giai đoạn ổn định sau sáp nhập, tỉnh cũng đang tiến hành rà soát các xã, phường trọng điểm để ưu tiên đầu tư hạ tầng, từ đó tạo điểm tựa cho phát triển kinh tế – xã hội toàn diện hơn tại vùng biên.

Đẩy mạnh hạ tầng, mở không gian phát triển mới

Bên cạnh công tác tổ chức bộ máy hành chính, tỉnh Gia Lai mới đang tập trung đẩy nhanh tiến độ khởi công các công trình hạ tầng chiến lược, làm nền tảng phát triển cho vùng Tây Nguyên và ven biển miền Trung. Một số dự án tiêu biểu bao gồm:

  • Đường cất hạ cánh số 2 và các hạng mục đồng bộ tại Cảng hàng không Phù Cát
  • Đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, kết nối đồng bằng duyên hải với Tây Nguyên
  • Khu công nghiệp Hoài Mỹ, Khu công nghiệp và bến cảng Phù Mỹ – các đầu mối thu hút đầu tư và logistics

Sự kết nối này không chỉ làm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa mà còn mở ra không gian phát triển mới, liên kết vùng giữa miền Trung – Tây Nguyên – Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, tận dụng tiềm năng cảng biển và sân bay quốc tế.

Tỉnh kỳ vọng rằng, cùng với bộ máy hành chính mới được bố trí hợp lý, các tuyến giao thông và khu công nghiệp sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới, thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư, qua đó nâng cao đời sống người dân, củng cố an ninh vùng biên và phát triển bền vững trong giai đoạn 2026–2030.

Nguyễn Trang