Không thuốc trừ sâu, không phụ gia, nông dân Lào Cai đổi đời nhờ thứ sản vật "vừa thơm, vừa đậm, vừa khiến người ta nhớ", thu nhập tăng cao
Mô hình độc lạ tại xã Bảo Thắng (Lào Cai) đang giúp nông dân địa phương nâng cao thu nhập, xây dựng thương hiệu nông sản và ổn định đầu ra.
Từ ruộng khô hạn đến vườn quất trĩu quả
Trước đây, nhiều hộ nông dân ở xã Bảo Thắng (Lào Cai) chỉ cấy lúa trên những thửa ruộng cao, thường xuyên thiếu nước nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình, bà con nơi đây đã tìm thấy hướng đi mới từ cây quất hữu cơ.

Tiêu biểu là gia đình chị Đặng Thị Kim Oanh, thôn An Tiến – một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cây trồng. Năm 2022, nhận thấy điều kiện canh tác không thuận lợi cho lúa, chị quyết định chuyển 0,6 ha sang trồng quất lấy quả. Dù chưa có mô hình tương tự trong tỉnh để học hỏi, chị Oanh vẫn kiên trì chăm sóc theo hướng hữu cơ: không phun thuốc, cắt cỏ thủ công, sử dụng phân bón sinh học.
Sau hơn một năm, cây quất phát triển tốt, cho năng suất cao và được thị trường đón nhận. Nhờ đó, gia đình chị mở rộng diện tích lên hơn 3 ha.
Chế biến sâu nâng giá trị nông sản
Không dừng lại ở việc bán quất tươi, chị Oanh và gia đình tiếp tục nghiên cứu chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị nông sản. Với sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, gia đình đã phát triển thành công 3 sản phẩm từ quả quất:
- Siro quất gừng mật ong
- Ô mai quất gừng mật ong
- Nước chấm quất sả ớt

Các sản phẩm đều giữ nguyên hương vị tự nhiên, không dùng phụ gia hay chất bảo quản. Nhờ vậy, nhanh chóng được thị trường đón nhận và đạt OCOP 3 sao vào năm 2025 – một cột mốc quan trọng giúp sản phẩm vươn xa hơn và tăng khả năng cạnh tranh.
Theo chị Oanh, mỗi năm gia đình thu 30 – 40 tấn quả quất tươi, trong khi các sản phẩm chế biến đạt trên 2.000 hộp/năm. Quan trọng hơn, mô hình đã tạo việc làm ổn định cho 5 – 7 lao động thường xuyên, vào vụ cao điểm có thể lên đến hơn 10 người với thu nhập trung bình 9 – 10 triệu đồng/tháng.
Chị Trần Thị Cẩm, một lao động tại vườn quất, chia sẻ: “Công việc tại đây giúp tôi có thu nhập ổn định, lại gần nhà, thuận lợi chăm sóc con cái và gia đình”.
Nhân rộng mô hình, tạo nền nông nghiệp bền vững
Không chỉ gia đình chị Oanh, ngày càng có nhiều hộ nông dân ở xã Bảo Thắng mạnh dạn chuyển đổi diện tích ruộng và vườn kém hiệu quả sang trồng quất. Theo người dân địa phương, cây quất hợp đất, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc và đầu ra tương đối ổn định. Đặc biệt, xu hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, dùng phân sinh học và kỹ thuật chăm sóc thủ công đang dần trở thành thói quen mới.

UBND xã Bảo Thắng đánh giá cao mô hình chuyển đổi này, cho rằng việc gắn sản xuất với chế biến và xây dựng thương hiệu OCOP đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương. Chính quyền cũng đang xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình, thiết lập chuỗi liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm đảm bảo đầu ra bền vững cho người dân.
Bằng cách tận dụng thế mạnh địa phương, đồng thời tiếp cận xu hướng tiêu dùng xanh và sạch, mô hình trồng quất hữu cơ kết hợp chế biến của nông dân Bảo Thắng đang góp phần tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng giá trị cao và phát triển bền vững.