Mô hình mới

Bỏ cây thấp, trồng cây cao, nông dân Sơn La đổi đời nhờ thứ quả "bám đồi dốc", doanh thu năm nào cũng lên đến 800 - 900 triệu đồng

Ngọc Linh 09/07/2025 19:00

Nông dân Sơn La đã từng bước vươn lên thoát nghèo với loại trái mới, nâng cao thu nhập và khẳng định vị thế hàng nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Nông dân Huổi Một đổi đời nhờ cây xoài leo đồi

Trên chuyến xe khách Hưng Yên – Sơn La, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Vượng – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Xoài Sông Mã về bản Co Kiểng, xã Huổi Một. Đây là nơi mô hình liên kết trồng xoài VietGAP xuất khẩu đã giúp hàng chục nông dân ở vùng sâu vươn lên thoát nghèo, đổi đời nhờ chuyển đổi sản xuất hiệu quả.

Một góc đồi xoài VietGAP của ông Vượng (1)
Ông Vượng tại vườn xoài nhà mình

Gia đình ông Vượng là người Hưng Yên lên định cư tại huyện Sông Mã cũ (Sơn La) từ đầu thập niên 1960. Trước năm 2015, địa phương này chủ yếu canh tác nhỏ lẻ, cây trồng truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp. Sự chuyển mình chỉ thực sự bắt đầu khi ngành nông nghiệp đưa cán bộ kỹ thuật lên cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con chuyển đổi đất vườn sang trồng xoài và các cây ăn quả có giá trị cao.

Tận dụng đặc điểm đồi dốc, tầng đất dày, gần suối tự nhiên, ông Vượng cùng các thành viên HTX quy hoạch trồng xoài GL4 trên diện tích 10 ha. Nhờ lựa chọn đúng địa hình và ứng dụng tưới nước tự động từ các mó nước núi, HTX tiết kiệm chi phí đầu tư và đạt năng suất trung bình 10 tấn/ha, sau ba năm trồng.

Chăm vườn xoài VietGAP: Bí quyết giúp nông dân thu lợi nhuận cao

Để xoài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc, HTX áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bao gồm: bón phân hữu cơ vi sinh, tỉa cành hợp lý, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sử dụng thuốc sinh học.

Trái xoài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (1)
Trái xoài có mẫu mã rất đẹp, chất lượng cao, đủ các tiêu chuẩn để xuất khẩu

Quy trình bón phân được điều chỉnh theo giai đoạn sinh trưởng:

  • Trước trồng và sau thu hoạch: từ 6 – 30 kg phân hữu cơ/gốc
  • Khi nuôi quả và sau thu hoạch: chỉ dùng 1,5 – 2 kg NPK/gốc
  • Trước ra hoa: phun siêu lân, bấm ngọn để cây phân hóa mầm hoa đồng đều

Đặc biệt, khu vực trồng xoài ở Sông Mã thường bị ảnh hưởng bởi các đối tượng sâu bệnh như bọ trĩ, ruồi vàng, sâu đục thân, do đó việc thăm vườn và phòng trừ sâu bệnh được thực hiện nghiêm ngặt. Biện pháp như bao trái, bôi vôi gốc, hoặc dùng dây thép diệt sâu trong thân cây được áp dụng thường xuyên để đảm bảo chất lượng quả.

Từ năm 2020, HTX của ông Vượng luôn giữ được sản lượng khoảng 100 tấn/năm, lợi nhuận ròng lên tới 800 – 900 triệu đồng. Riêng năm 2025, dù thời tiết có biến động do nhuận tháng 6 khiến mùa thu hoạch lùi khoảng một tháng, HTX vẫn giữ được tỷ lệ quả đạt chuẩn xuất khẩu tới 80%.

Hướng đi mới từ trái vụ và mã số vùng trồng

Nhằm nâng cao giá trị xoài và kéo dài mùa thu hoạch, từ năm 2026, ông Vượng lên kế hoạch ứng dụng kỹ thuật ra hoa trái vụ bằng việc sử dụng PBZ (Paclobutrazol) kết hợp ngắt bỏ hoa chính vụ và bón NPK qua gốc. Theo ông, với cách làm này, cây sẽ ra hoa, đậu quả trở lại sau 2 tháng, cho thu hoạch vào tháng 8–9, tránh thời điểm nguồn cung dồi dào.

Bao gói xoài xuất khẩu (1)
Người nông dân đang gói xoài để cung ứng ra thị trường

Ngoài kỹ thuật canh tác, một yếu tố quan trọng giúp xoài HTX Sông Mã tiếp cận thị trường xuất khẩu là việc được cấp mã số vùng trồng và hỗ trợ túi bao quả thân thiện với môi trường từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La.

Trái xoài đạt chuẩn xuất khẩu cần đáp ứng nhiều tiêu chí: vỏ xanh, mã đẹp, không dập nát, trọng lượng từ 0,7 kg trở lên, ít xơ, ngọt thơm và không tồn dư hóa chất hoặc vi sinh vật gây hại.

Hành trình chuyển mình từ hộ nghèo thành nông dân chuyên canh xuất khẩu xoài, không chỉ cho thấy vai trò của HTX và liên kết sản xuất, mà còn chứng minh rằng với kỹ thuật đúng và thị trường rõ ràng, nông nghiệp ở vùng sâu như Sông Mã hoàn toàn có thể tạo ra giá trị hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ngọc Linh