Chính sách - Đầu tư

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua những xã, phường mới nào của Hà Nội sau sáp nhập?

Tuấn Anh 09/07/2025 18:03

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam ở Hà Nội sẽ chỉ có 1 ga duy nhất tại Ngọc Hồi.

Hà Nội khởi động giải phóng mặt bằng cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã chính thức ban hành kế hoạch tổ chức giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam (đoạn qua địa bàn Hà Nội).

Theo kế hoạch, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ đi qua hàng loạt xã mới sau sáp nhập như: Đại Xuyên, Phượng Dực, Chuyên Mỹ, Thường Tín, Thượng Phúc, Ngọc Hồi. Các UBND xã sẽ trực tiếp triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong phạm vi quản lý; đồng thời phối hợp với sở ngành xây dựng kế hoạch chi tiết, bảo đảm đúng tiến độ.

Đường sắt cao tốc Bắc Nam qua Hà Nội
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam chạy trên địa phận Thủ đô Hà Nội sẽ đi qua 6 xã mới

Trên cơ sở hồ sơ ranh giới giải phóng mặt bằng từ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và theo tiến độ tổng thể đã được Quốc hội thông qua, Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc lập phương án, tổ chức thực hiện tái định cư, giải ngân đúng kế hoạch. Sở Tài chính TP Hà Nội được giao nhiệm vụ tham mưu về kế hoạch ứng vốn ngân sách để đảm bảo nguồn lực cho công tác này.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam: Trục xương sống mới của giao thông quốc gia

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài khoảng 1.541 km, tốc độ thiết kế tối đa 350 km/h, kết nối ga Ngọc Hồi (Hà Nội) với ga Thủ Thiêm (TP.HCM) và đi qua 15 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Riêng đoạn đi qua địa bàn Hà Nội có chiều dài khoảng 27,9 km, gồm nhiều phân đoạn sẽ ảnh hưởng đến đất dân cư, đất công, hạ tầng xã hội và nông nghiệp. Theo Nghị quyết 172/2024/QH15, tuyến đường sắt này sẽ có tổng cộng 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, trong đó ga Ngọc Hồi đóng vai trò là điểm đầu và trung tâm kết nối của khu vực phía Bắc.

Dự án được thiết kế với hệ thống phương tiện và thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế về tốc độ, an toàn và hiệu suất vận hành. Ngoài vận chuyển hành khách tốc độ cao, tuyến còn tích hợp chức năng vận chuyển hàng hóa chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong kết nối kinh tế vùng và bảo đảm an ninh – quốc phòng.

Sáp nhập hành chính hiệu quả tạo thuận lợi cho triển khai dự án

Việc triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tại Hà Nội cũng phần nào sẽ thuận lợi hơn nhờ quá trình sáp nhập các xã theo đề án điều chỉnh địa giới hành chính đã hoàn tất từ đầu tháng 7 rất trơn tru, hiệu quả. Một số xã như Chuyên Mỹ, Phượng Dực, Đại Xuyên nay đã được tích hợp vào hệ thống quản lý hành chính tập trung, giúp rút ngắn quy trình phê duyệt và phối hợp thực hiện giải phóng mặt bằng.

Bản đồ Hà Nội sau sáp nhập
Bản đồ Hà Nội sau sáp nhập (tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến sẽ chạy theo đường mũi tên như trên bản đồ với điểm đầu tại xã Ngọc Hồi)

Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội đáp ứng đúng tiến độ đã được Chính phủ đặt ra cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Việc triển khai tuyến đường này không chỉ giảm tải cho giao thông đường bộ và hàng không, mà còn mở ra hành lang phát triển đô thị mới về phía Nam thủ đô, đặc biệt tại khu vực quanh ga Ngọc Hồi.

Việc quy hoạch đồng bộ giữa tuyến metro nội đô, đường sắt cao tốc và các tuyến đường vành đai sẽ giúp Hà Nội tạo nên một hệ sinh thái giao thông đa phương tiện hiện đại, gia tăng khả năng kết nối với các tỉnh phía Nam như Ninh Bình, Thanh Hóa cũng như các trung tâm kinh tế trọng điểm khác.

Tuấn Anh