Chính sách - Đầu tư

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam có thêm chỉ đạo, nhiệm vụ mới

Tuấn Anh 09/07/2025 17:29

Địa phương này đang chuẩn bị triển khai công tác giải phóng mặt bằng cho đoạn đường sắt cao tốc Bắc – Nam dài 17 km đi qua địa phận.

Ga Thủ Thiêm và Depot Long Trường là hai điểm trọng yếu

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam đi qua địa phận TP. HCM dài khoảng 17 km, được xác định là một trong những đoạn có vai trò chiến lược trong tổng thể toàn tuyến. Theo thông tin tại hội nghị sơ kết công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 6 tháng đầu năm do Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. HCM tổ chức ngày 9/7, thành phố dự kiến chi hơn 2.100 tỷ đồng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đoạn tuyến này.

Đường sắt cao tốc qua TP.HCM
TP. HCM đang lên phương án cho công tác GPMB dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Đoạn qua TP. HCM sẽ bao gồm hai điểm chính là ga Thủ Thiêm, với diện tích hơn 17 ha, và Depot Long Trường, rộng hơn 60 ha. Cả hai điểm này đều nằm trong khu vực quy hoạch đô thị quan trọng, gắn với các chiến lược phát triển giao thông công cộng và chỉnh trang đô thị trong tương lai.

Theo ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. HCM, thành phố đã chủ động rà soát, lập kế hoạch mặt bằng, sẵn sàng phối hợp triển khai đồng bộ với các địa phương khác. Tuy nhiên, hiện công tác kiểm đếm, đo đạc, lập phương án bồi thường vẫn đang chờ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) bàn giao ranh mốc cụ thể.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Võ Trung Trực nói tại hội nghị
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Võ Trung Trực nói tại hội nghị

"Đây là công trình trọng điểm quốc gia nên TP. HCM chủ động các bước chuẩn bị, đảm bảo tiến độ toàn tuyến", ông Trực khẳng định. Việc sớm xác định ranh tuyến sẽ là căn cứ pháp lý để thành phố hoàn tất thủ tục đền bù, hỗ trợ tái định cư, cũng như lồng ghép các quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị liên quan.

Gắn đường sắt cao tốc với mô hình phát triển đô thị theo TOD

Bên cạnh công tác bồi thường, lãnh đạo TP. HCM đặc biệt quan tâm đến định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) – phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng. Hai điểm ga Thủ Thiêm và Depot Long Trường sẽ được nghiên cứu lồng ghép TOD nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, giảm áp lực hạ tầng và tạo động lực phát triển khu vực.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được yêu cầu Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất phương án giao chủ đầu tư, lập và thẩm định dự án bồi thường; đồng thời chủ động tham mưu bố trí vốn thực hiện. Sở Xây dựng cũng được giao rà soát lại quy hoạch tổng thể, tránh chồng lấn với các dự án hạ tầng khác.

Bản đồ đường sắt cao tốc
Bản đồ hướng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam theo dự kiến

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.541 km, đi từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với tổng vốn sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67 tỷ USD). Tuyến đường sử dụng khổ ray đôi tiêu chuẩn 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Toàn tuyến dự kiến hoàn thành vào năm 2035.

Theo sơ bộ, dự án cần khoảng 10.800 ha đất và ảnh hưởng đến hơn 120.000 người phải bố trí tái định cư. Từ năm 2025, Bộ Xây dựng sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

TP HCM đẩy mạnh giải ngân, tập trung tháo gỡ vướng mắc

Ngoài đường sắt cao tốc, TP. HCM hiện còn nhiều dự án hạ tầng quan trọng cần giải phóng mặt bằng từ nay đến cuối năm. Trong đó, nổi bật là dự án mở rộng Quốc lộ 1 (hơn 9.600 tỷ đồng đền bù), Quốc lộ 22 (hơn 6.200 tỷ đồng), trục Bắc – Nam và cầu, đường Bình Tiên (gần 7.000 tỷ đồng), và Vành đai 4 (hơn 8.200 tỷ đồng qua TP. HCM).

Tính đến hết tháng 6/2025, TP. HCM đã giải ngân gần 82% vốn bồi thường được giao trong năm, vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Môi trường đánh giá khối lượng còn lại trong 6 tháng cuối năm rất lớn, thành phố cần tiếp tục rà soát và tháo gỡ vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm.

Tuấn Anh