Tâm điểm sáp nhập TP. HCM, đề xuất xây dựng tuyến đường sắt vượt biển để mở ra siêu đô thị trong tương lai
Việc sáp nhập TP.HCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo điều kiện hình thành siêu đô thị có quy mô dân số hơn 14 triệu người.
Sáp nhập và viễn cảnh hình thành siêu đô thị phía Nam
Quá trình mở rộng không gian đô thị sau sáp nhập địa giới hành chính giữa TP.HCM với hai tỉnh lân cận Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ đang đặt nền móng cho một siêu đô thị mới của Việt Nam. Khu vực sau sáp nhập có tổng diện tích gần 7.000 km², dân số vượt 14 triệu người, phạm vi trải rộng hơn 75 km.
Theo chuyên gia quy hoạch giao thông - ông Nguyễn Đình Nên (Công ty enCity), để vận hành hiệu quả siêu đô thị mở rộng, cần phát triển mạnh mạng lưới đường sắt và metro liên tỉnh, đảm bảo việc di chuyển giữa các khu vực diễn ra trong vòng 60 phút.
Một trong những đề xuất đáng chú ý là kéo dài tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Giờ vượt biển đến Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ). Tuyến này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng giữa hai khu vực mà còn tạo nên một hành lang phát triển ven biển chiến lược. Dự kiến, đến năm 2035, nhu cầu di chuyển giữa Cần Giờ – Vũng Tàu có thể đạt gần 100.000 lượt khách/ngày, nhờ vào sự phát triển của đô thị lấn biển Cần Giờ, cảng trung chuyển quốc tế và sự mở rộng của khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải.

Trong giai đoạn đầu, giải pháp nâng tần suất tuyến phà Cần Giờ – Vũng Tàu (đang phục vụ 8.400 lượt khách/ngày) có thể được áp dụng. Tuy nhiên, về lâu dài, một tuyến đường sắt cố định có sức chở lớn sẽ là giải pháp bền vững hơn.
Bài học quốc tế và tầm quan trọng của liên kết vùng sau sáp nhập
Chuyên gia Nguyễn Đình Nên cũng đưa ra ví dụ từ liên kết Copenhagen (Đan Mạch) và Malmö (Thụy Điển) bằng cầu – hầm Øresund dài 8 km, giúp giảm thời gian di chuyển từ 1 giờ xuống 35 phút. Công trình này không chỉ thuận tiện về giao thông mà còn tạo ra tác động kinh tế tích cực với lợi nhuận 9 tỷ USD, 2 triệu lượt khách du lịch/năm và 20.000 người lao động qua lại hằng ngày.

Tại Việt Nam, vị trí xây dựng tuyến vượt biển nối Cần Giờ với Bà Rịa – Vũng Tàu được đề xuất là kết hợp giữa cầu và hầm, nhằm đảm bảo khả năng lưu thông của tàu biển và tối ưu hóa chi phí đầu tư. Tuyến này sẽ đồng thời phục vụ cả đường sắt và đường bộ, giúp tận dụng hạ tầng hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh TP.HCM vừa thực hiện sáp nhập, tuyến đường sắt này có ý nghĩa chiến lược không chỉ về giao thông mà còn về kinh tế – xã hội. Nó sẽ tạo điều kiện để hình thành một cụm đô thị – cảng – logistics – dịch vụ – du lịch liên hoàn, có thể cạnh tranh ở quy mô khu vực và quốc tế.
Việc đầu tư vào một mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, trong đó có đường sắt xuyên vùng, sẽ giúp kết nối nhanh các trung tâm sản xuất, logistics, khu công nghiệp, cảng biển và sân bay. Đây là điều kiện tiên quyết để siêu đô thị sau sáp nhập phát triển bền vững, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.HCM trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.