Bí ẩn về một gia tộc ở Trung Quốc và lời nguyền 3 đời nắm giữ vị trí giàu nhất đất nước này
Đây là là một trong số ít gia tộc tại Trung Quốc duy trì được sự giàu có và ảnh hưởng trong suốt hơn một thế kỷ.
Đế chế họ Rong: Từ cội rễ Thái Thương đến biểu tượng tài chính Trung Quốc
Với kỷ lục 3 thế hệ liên tiếp có người giàu nhất Trung Quốc, gia tộc họ Rong là một trong những trường hợp hiếm hoi duy trì được sự giàu có, ảnh hưởng và vị thế xã hội trong suốt hơn 100 năm qua (trải dài qua năm thế hệ), phá vỡ lời nguyền từ xưa "không ai giàu ba họ". Từ những bước đi đầu tiên với tiệm cầm đồ nhỏ ở Thái Thương, gia đình này đã từng bước xây dựng nên một đế chế công nghiệp và tài chính được xem là hình mẫu trong lịch sử kinh tế tư nhân Trung Quốc.

Người đặt nền móng cho sự thịnh vượng là ông Rong Xitai, người sáng lập ngân hàng Guangsheng tại Thượng Hải năm 1896. Từ đây, hai người con của ông – Rong Zongjing và Rong Desheng đã tiếp nối và mở rộng quy mô hoạt động, đặt nền móng cho hai ngành công nghiệp mũi nhọn lúc bấy giờ: bột mì và sợi bông.
Tuyên bố nổi tiếng của Rong Zongjing năm 1933: "Một nửa người Trung Quốc sẽ mặc đồ của tôi, một nửa ăn đồ của tôi", đã phần nào phản ánh quy mô và tầm ảnh hưởng của gia tộc này trong đời sống kinh tế – xã hội đương thời.
Ăn và mặc: Hai trụ cột của đế chế họ Rong
Ý tưởng sản xuất bột mì và sợi bông nội địa bắt nguồn từ quan sát đơn giản của Rong Desheng tại cảng biển: hàng nhập khẩu đang chiếm lĩnh thị trường, khiến tiền của người Trung Quốc rơi vào tay người nước ngoài. Từ năm 1902, anh em họ Rong bắt đầu xây dựng nhà máy Bảo Hưng – tiền thân của đế chế bột mì Trung Quốc.
Dù khởi đầu gặp nhiều khó khăn, họ nhanh chóng tận dụng bối cảnh quốc tế như chiến tranh Nga – Nhật và Thế chiến I để lấp khoảng trống cung ứng, đưa sản phẩm nội địa lên chiếm lĩnh thị trường. Đến năm 1922, các nhà máy của họ đã chiếm 1/3 thị trường bột mì toàn quốc.
Không dừng lại ở đó, họ lấn sân sang ngành dệt – một lĩnh vực thiết yếu khác của nền kinh tế. Trong thời kỳ phong trào tẩy chay hàng Nhật diễn ra mạnh mẽ, sản phẩm của họ trở thành lựa chọn hàng đầu. Sự thành công này giúp Rong Zongjing và Rong Desheng được mệnh danh là "Vua bột mì" và "Vua sợi" – hai vị trí then chốt trong công nghiệp Trung Quốc đầu thế kỷ 20.
Từ công nghiệp đến tài chính: Di sản thế hệ ba
Thế hệ thứ ba của gia tộc - Rong Yiren, đã đưa họ Rong bước sang lĩnh vực tài chính quốc gia. Năm 1979, ông được lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tin tưởng giao trọng trách thành lập Công ty Tín thác và Đầu tư Quốc tế Trung Quốc (CITIC). Đây là tổ chức kinh tế đầu tiên của Trung Quốc có vai trò thu hút vốn quốc tế và đưa doanh nghiệp Trung Quốc ra thế giới.

Dưới sự dẫn dắt của Rong Yiren, CITIC đã phát hành thành công 10 tỷ yen trái phiếu tại Nhật Bản năm 1982 – một trong những cột mốc lịch sử của dòng vốn quốc tế vào Trung Quốc thời kỳ mở cửa. Không nhận lương, không giữ cổ phần, ông để lại một di sản tài chính đồ sộ và được quốc tế đánh giá cao. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng nhận xét: "Một doanh nhân vừa hiểu kinh tế kế hoạch, vừa am tường kinh tế thị trường như ông Rong quả là của hiếm."
Sự nghiệp này được con trai ông – Rong Zhijian kế thừa và tiếp tục phát triển, từng được vinh danh là người giàu nhất Trung Quốc. Hậu duệ họ Rong vẫn giữ được vị thế trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư và giáo dục.
Quản trị di sản: Bí quyết vượt thời gian
Yếu tố quan trọng nhất giúp gia tộc họ Rong giữ được sự thịnh vượng trong suốt 5 thế hệ chính là cách thức quản lý tài sản và nguyên tắc đạo đức chặt chẽ.
Hai câu gia huấn nổi tiếng của gia tộc là:
- “Giữ vững sự ổn định, hành sự thận trọng, tuyệt đối không đầu cơ” – của người sáng lập Rong Xitai.
- “Mang hoài bão thượng đẳng, kết duyên trung đẳng, hưởng phúc hạ đẳng” – khuyên dạy về cách sống có chí nhưng khiêm nhường, biết dừng đúng lúc.
Đặc biệt, họ Rong xây dựng một “văn phòng gia đình” – tổ chức chuyên biệt để quản lý tài sản chung, điều phối quyền lực, đồng thời bảo vệ giá trị cốt lõi của dòng tộc. Mỗi thành viên bước sang tuổi 18 sẽ tham gia vào hội đồng quản trị và được cấp quỹ riêng để khởi nghiệp, trong khi vẫn phải tuân thủ ba nguyên tắc tối thiểu: không nghiện ngập, không lừa đảo, không cờ bạc.
Cách làm này giúp các thế hệ sau có điều kiện phát triển độc lập, trong khi vẫn duy trì được tính kế thừa và trách nhiệm với tài sản chung.