Chính sách - Đầu tư

Thêm một tin tốt về tiến độ thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Tuấn Anh 09/07/2025 13:00

Địa phương này đang chủ động chuẩn bị các điều kiện hạ tầng và hành chính cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Chủ động về hạ tầng, sẵn sàng về cơ chế

Ngày 8/7, trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Võ Phiến – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh chia sẻ rằng địa phương này đang tích cực chuẩn bị cho hàng loạt dự án giao thông quan trọng. Trong đó, đáng chú ý là dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tuyến huyết mạch kết nối Hà Nội và TP.HCM với tổng chiều dài lên tới 1.541 km.

Trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành và Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, cơ bản bộ khung xây dựng đã đảm bảo có thể sẵn sàng triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ được Trung ương đặt ra.

Quảng Ngãi đã sẵn sàng cho việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam
Tỉnh Quảng Ngãi đã sẵn sàng cho việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Việc chủ động phân công, lên phương án sớm từ khâu hành chính, hạ tầng, đến công tác dân sinh được đánh giá là tiền đề quan trọng để đón đầu một trong những công trình giao thông lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Quảng Ngãi.

Tuyến đường định hình tương lai vùng

Theo thông tin quy hoạch trước thời điểm sáp nhập hành chính, tuyến đường sắt cao tốc đi qua Quảng Ngãi dự kiến có ga chính đặt tại phía Tây thành phố Quảng Ngãi cũ, gần trục đường Hoàng Hoa Thám. Tuyến sau đó chạy song song với đường sắt hiện hữu qua huyện Nghĩa Hành cũ, vượt sông Vệ cách cầu đường sắt hiện tại khoảng 2km về phía thượng lưu.

Tiếp đó, tuyến đi qua địa bàn huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ cũ, chủ yếu nằm giữa đường sắt hiện tại và cao tốc Bắc – Nam. Ở cuối địa phận tỉnh, tuyến sẽ vượt qua đường cao tốc, đi về phía Tây và băng qua đèo Bình Đê để tiến vào địa phận tỉnh Bình Định.

Đây được xem là tuyến có vai trò chiến lược không chỉ với Quảng Ngãi mà còn với toàn khu vực miền Trung. Hệ thống nhà ga và hành lang phát triển đô thị dọc tuyến có thể mở ra cơ hội bứt phá về kinh tế – xã hội cho các khu vực lâu nay còn thiếu động lực.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam được thiết kế với tốc độ tối đa 350 km/h, xây dựng 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Tuyến đi qua 15 tỉnh, thành bao gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Nai và TP.HCM.

Đường sắt cao tốc – động lực phát triển vùng và quốc gia

Việc Quảng Ngãi chủ động chuẩn bị cho tuyến đường sắt cao tốc không chỉ có ý nghĩa địa phương mà còn góp phần đảm bảo tính đồng bộ trong toàn tuyến quốc gia. Với tốc độ khai thác cao, khả năng vận chuyển hành khách và hàng hóa linh hoạt, tuyến cao tốc hứa hẹn sẽ giảm tải cho đường bộ và hàng không, góp phần tái cơ cấu hệ thống vận tải quốc gia theo hướng bền vững.

Ngoài ra, hệ thống đường sắt cao tốc còn mang ý nghĩa chiến lược về quốc phòng – an ninh và phát triển bền vững. Khi đi vào hoạt động, tuyến sẽ tạo hành lang phát triển đô thị, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch, đồng thời tạo cơ sở hạ tầng để ứng phó nhanh với tình huống khẩn cấp.

Trong bối cảnh Quảng Ngãi đang đẩy mạnh các dự án giao thông như cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum, sân bay Lý Sơn và sân bay Măng Đen, sự hiện diện của tuyến đường sắt cao tốc sẽ tạo ra "trục động lực" kết nối liên vùng, củng cố vai trò trung chuyển giữa miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam.

Tuấn Anh