Chuyển động

Muốn gánh trọng trách tại đường sắt cao tốc Bắc-Nam, doanh nghiệp này khẳng định “dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”

Thu Hà 09/07/2025 06:54

Muốn gánh vác phần việc phức tạp tại dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, một doanh nghiệp khẳng định tinh thần “dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Khát vọng kiến tạo hạ tầng quốc gia

Tập đoàn Đèo Cả đang dần hiện thực hóa vai trò tiên phong trong lĩnh vực hạ tầng giao thông trọng điểm, với tuyên bố sẵn sàng đảm nhận những gói thầu kỹ thuật phức tạp của siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Song song đó, doanh nghiệp cũng mở rộng hợp tác đa ngành, mới đây là với Tập đoàn CNCTech, hướng tới phát triển đồng bộ công nghiệp – giao thông tại các địa phương.

Đường sắt cao tốc bắc nam
Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam mang ý nghĩa vô cùng quan trọng

Trước bối cảnh Chính phủ đang hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Tập đoàn Đèo Cả đã chính thức lên tiếng khẳng định năng lực và cam kết đồng hành cùng dự án.

Cụ thể, Đèo Cả đề xuất đảm nhận thi công các hạng mục nền đường, cầu và hầm xuyên núi, những phần việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và kinh nghiệm tổ chức thi công phức tạp. Đây cũng chính là thế mạnh nổi bật của doanh nghiệp, được kiểm chứng qua loạt dự án hạ tầng trọng điểm như hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, hay mở rộng hầm Hải Vân.

Không chỉ dừng ở năng lực thi công, Đèo Cả đã chuẩn bị đầy đủ các phương án về tài chính và công nghệ. Doanh nghiệp chủ động xây dựng mô hình liên danh với các tập đoàn lớn như China National Financial Investment (Trung Quốc), đồng thời xúc tiến hợp tác công nghệ, nhân lực với các đối tác từ Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc.

Để thúc đẩy tiến độ và giảm áp lực cho ngân sách, Đèo Cả kiến nghị áp dụng cơ chế hợp tác công – tư (PPP) cho dự án đường sắt cao tốc, trong đó khối tư nhân tham gia bỏ vốn thực hiện một phần hoặc toàn bộ các đoạn tuyến. Mô hình tài chính liên kết – chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích cũng được doanh nghiệp đề xuất triển khai đồng bộ nhằm huy động sức mạnh từ nhiều chủ thể xã hội.

Hợp tác CNCTech – Động lực mới cho hạ tầng công nghiệp địa phương

Sáng 7/7, tại tỉnh Phú Thọ, Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn CNCTech đã có buổi trao đổi xúc tiến hợp tác, đây là hoạt động có ý nghĩa chiến lược khi hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông và công nghiệp tại các địa phương.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Chủ tịch HĐQT CNCTech – ông Nguyễn Văn Hùng cho biết tập đoàn được thành lập từ năm 2008, đến nay đã trở thành một tổ chức công nghiệp đa lĩnh vực với trọng tâm là cơ khí chính xác, công nghệ sản xuất và logistics. CNCTech định hướng hình thành hệ sinh thái công nghiệp xanh – thông minh, góp phần nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về phía Tập đoàn Đèo Cả, Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Huy giới thiệu mô hình doanh nghiệp phát triển trên ba trụ cột: quản trị hiệu quả, tài chính liên kết, đào tạo nhân lực chuyên sâu, với tầm nhìn hỗ trợ các địa phương kiến tạo không gian công nghiệp có tính liên kết vùng.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Tập đoàn Long Phương – đối tác của CNCTech – đánh giá cao Đèo Cả là doanh nghiệp tiên phong, minh bạch, sở hữu năng lực triển khai thực chất, không phụ thuộc vào các mối quan hệ cá nhân hay cơ hội ngắn hạn.

Đặc biệt, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả – ông Hồ Minh Hoàng nhấn mạnh: muốn phát triển bền vững, các doanh nghiệp trong nước cần tập trung nâng cao năng suất thông qua việc đào tạo văn hóa doanh nghiệp, phát triển nhân sự bài bản và xây dựng cơ chế giám sát minh bạch. Ông nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về tinh thần “Dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm” như một kim chỉ nam cho khối kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới.

11.jpg
Với quan điểm “Con đường vàng tạo ra giá trị vàng”, Tập đoàn Đèo Cả xây dựng mô hình tài chính liên kết, kết nối các doanh nghiệp cùng đầu tư, thi công theo nguyên tắc “Lợi ích hài hoà - Rủi ro chia sẻ” tại các dự án đầu tư PPP và dự án đầu tư công

Về phần mình, ông Nguyễn Văn Hùng cam kết CNCTech sẽ điều chỉnh chiến lược đầu tư, phối hợp chặt chẽ với Đèo Cả và các đối tác khác để xây dựng lộ trình phát triển đô thị công nghiệp – công nghệ cao tại tỉnh Phú Thọ.

Từ định hướng chiến lược đường sắt cao tốc Bắc – Nam cho đến mô hình hợp tác công nghiệp tại địa phương, có thể thấy Tập đoàn Đèo Cả đang định hình rõ nét vị trí là mắt xích chiến lược trong tiến trình hiện đại hóa hạ tầng Việt Nam.

Trong dài hạn, việc gắn kết giữa công nghệ – công nghiệp – giao thông chính là cách tiếp cận tổng thể để tạo ra các chuỗi giá trị bền vững, không chỉ phục vụ cho một dự án cụ thể, mà còn kiến tạo nền móng cho nền kinh tế số và hạ tầng thế kỷ 21.

Thu Hà