Không chọn cà phê hay cao su, người nông dân Quảng Ngãi bất ngờ chọn nuôi rắn, giờ có cả cơ ngơi rộng lớn, thu hàng trăm triệu mỗi năm
Ít ai ngờ rằng mô hình nuôi rắn ráo trâu của nông dân Lê Văn Vân (Quảng Ngãi mới) lại mang lại nguồn thu gần 300 triệu đồng mỗi năm.
Từ đất núi rừng đến mô hình nuôi rắn tiền tỷ
Hơn 10 năm trước, gia đình người nông dân Lê Văn Vân ngụ tại thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum (nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi), đã tiên phong phát triển mô hình nuôi rắn ráo trâu, một loài vật nghe tên ai cũng dè chừng. Nhưng chính quyết định táo bạo đó đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu gần 300 triệu đồng mỗi năm, với chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và đầu ra ổn định.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1996, khi gia đình ông Vân rời quê Vĩnh Phúc vào Kon Tum lập nghiệp. Ban đầu, ông chọn trồng cà phê, cao su và chăn nuôi dê, bò để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi nhiều công sức, chi phí và không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Trong một chuyến về quê, ông Vân tình cờ biết đến mô hình nuôi rắn ráo trâu – một mô hình được nhiều hộ dân ở các tỉnh Tây Nguyên triển khai thành công. Nhận thấy tiềm năng lớn, ông quyết định thử nghiệm.
Năm 2014, ông đầu tư khoảng 20 triệu đồng mua 200 con giống ban đầu. Từng bước học hỏi, rút kinh nghiệm từ thất bại, ông đã dần làm chủ kỹ thuật, từ xây chuồng nuôi, vệ sinh môi trường, đến điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.
Loài vật ăn ít, dễ nuôi, thu nhập ổn định
Theo ông Vân, rắn ráo trâu không có độc, rất dễ chăm sóc và đặc biệt ít bệnh nếu giữ môi trường sống sạch sẽ. Thức ăn cho rắn nhỏ là nhái, cho rắn trưởng thành là ếch, gà con, vịt con – rất dễ kiếm ở nông thôn. Rắn nhỏ ăn 2 ngày/lần, rắn lớn ăn 1 tuần/lần, tổng chi phí thức ăn mỗi năm chỉ khoảng 10 triệu đồng cho cả trại.
Chuồng nuôi rắn ban đầu được ông xây đơn giản, nhưng về sau ông cải tiến thành mô hình chuồng ô vuông, rộng 60 cm, cao 70 cm và xếp thành tầng để tiết kiệm diện tích và dễ kiểm soát từng con. Hiện tại, gia đình ông duy trì khoảng 400 chuồng nuôi rắn, phân chia rõ ràng giữa rắn giống, rắn sinh sản và rắn thương phẩm.

Trung bình một năm, mỗi con rắn cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa 15–25 trứng. Giá bán trứng rắn khoảng 70.000 đồng/quả, con giống khoảng 150.000 đồng/con. Riêng từ trứng, gia đình ông thu gần 100 triệu đồng/năm. Đối với rắn thịt sau 1 năm nuôi đạt trọng lượng 2 kg, được thương lái thu mua với giá 400.000–700.000 đồng/kg. Gia đình ông hiện nuôi khoảng 450 rắn thịt, 200 rắn sinh sản – tổng doanh thu hàng năm ước đạt gần 300 triệu đồng.
Nông dân không lo đầu ra, mở rộng thêm 200 chuồng rắn
Một trong những điểm khiến mô hình nuôi rắn của ông Vân thành công là ông không gặp áp lực về thị trường tiêu thụ. Rắn ráo trâu có thể bán quanh năm, và nhu cầu hiện tại thậm chí vượt xa nguồn cung. Ngoài thương lái trong nước, rắn còn được xuất sang thị trường Trung Quốc với giá cao.

“Từ khi mô hình của tôi được báo chí đưa tin, người từ khắp nơi tìm về mua rắn giống, rắn thịt. Chỉ sợ không có đủ rắn để cung cấp”, ông Vân chia sẻ.
Nhận thấy nhu cầu tiếp tục tăng, thời gian tới, ông dự định xây thêm khoảng 200 chuồng nuôi mới để tăng đàn rắn, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm cho những nông dân có nhu cầu học hỏi. Đây là bước đi giúp gia đình ông vừa mở rộng sản xuất, vừa lan tỏa mô hình hiệu quả cho cộng đồng.