Sau sáp nhập với Thái Bình, tỉnh Hưng Yên mới mạnh mẽ đến mức nào?
Sau khi sáp nhập với Thái Bình, tỉnh Hưng Yên ghi nhận nhiều sự nhảy vọt đáng khích lệ.
Đầu tư tăng tốc mạnh sau sáp nhập
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Hưng Yên (mới) sau khi sáp nhập với Thái Bình đã thu hút thêm đến 205 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đăng ký lên tới hơn 5,9 tỉ USD. Trong đó, có 123 dự án trong nước với tổng vốn hơn 4,5 tỉ USD và 82 dự án FDI với mức đầu tư trên 1,4 tỉ USD.

Hai trong số các dự án có quy mô vốn lớn đáng chú ý là Khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu với tổng vốn hơn 1,5 tỉ USD và phân khu A của khu đô thị phía bắc quốc lộ 5 với gần 1,3 tỉ USD vốn đầu tư. Những dự án quy mô này phản ánh sức hấp dẫn của địa phương sau khi thực hiện việc hợp nhất hành chính.
Tính đến cuối tháng 6/2025, Hưng Yên hiện có 3.880 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt trên 40,8 tỉ USD. Trong đó, các khu công nghiệp và khu kinh tế đang thu hút gần 1.100 dự án, với hơn 18,6 tỉ USD vốn đầu tư; ngoài khu công nghiệp có khoảng 2.800 dự án, tương ứng hơn 22,2 tỉ USD.
Ngân sách vượt mốc cao nhất lịch sử, kinh tế tăng trưởng vượt kỳ vọng
Tổng thu ngân sách đạt gần 74.000 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm – mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này mở ra khả năng tỉnh Hưng Yên mới có thể vượt mốc 100.000 tỷ đồng thu ngân sách trong cả năm 2025.
Theo báo cáo từ Sở Tài chính Hưng Yên, trước khi sáp nhập, hai địa phương đều đạt kết quả tích cực về kinh tế - xã hội. Tỉnh Hưng Yên ghi nhận GRDP tăng 9%, sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 10,67%, thương mại – dịch vụ tăng 6,61%, nông – lâm – ngư nghiệp tăng 2,39%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 tỉ USD, tăng 29,23%; nhập khẩu 3,56 tỉ USD, tăng 19,13%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh đạt 37.782 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Về phía Thái Bình, GRDP ước đạt 36.154 tỷ đồng, cũng tăng 9%, trong đó công nghiệp tăng mạnh nhất với 22,28%, cho thấy hiệu quả của các chính sách phát triển kinh tế tại địa phương này trước khi hợp nhất. Tổng thu ngân sách Thái Bình đạt 28.928 tỷ đồng, bằng 127% kế hoạch năm và tăng tới 113,6% so với cùng kỳ – cũng là mức cao nhất trong lịch sử địa phương.
Chính quyền hai cấp vận hành thông suốt, bộ máy hành chính sớm ổn định
Sau khi sáp nhập, tỉnh Hưng Yên mới có diện tích 2.514,81 km², dân số gần 3,57 triệu người, chia thành 104 đơn vị hành chính cấp xã, phường. Với 4.672 cán bộ, công chức, viên chức cấp xã hiện nay, bình quân mỗi địa phương bố trí khoảng 45 người, đủ đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính địa phương.
Ngay trong tuần đầu vận hành mô hình mới, các kỳ họp thứ nhất của HĐND, UBND xã, phường đã được tổ chức trang trọng, đúng quy trình và chất lượng. Bộ máy chính quyền cấp xã đã đi vào hoạt động nền nếp, bảo đảm sự thông suốt trong quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Tại hội nghị triển khai công việc ngay sau ngày đầu tiên chính thức vận hành tỉnh mới, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Thận đã chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị khẩn trương kiện toàn bộ máy, bảo đảm duy trì đà tăng trưởng, thúc đẩy thu hút đầu tư và nâng cao hiệu quả điều hành trong giai đoạn sau sáp nhập.