Tỷ giá USD hôm nay 8/7: Tăng cầm chừng trước thời điểm “ra quyết định”
Tỷ giá USD trong nước tiếp tục tăng nhẹ, trong khi quốc tế dõi theo quyết định thuế quan ngày 9/7 có thể làm thay đổi cục diện đồng bạc xanh.
Diễn biến tỷ giá USD trong nước
Thị trường ngoại tệ trong nước ngày 08/07 chứng kiến đà tăng tiếp diễn ở cả chiều mua và bán USD tại nhiều ngân hàng. Trong đó, HSBC tiếp tục dẫn đầu về giá mua vào, còn một loạt ngân hàng đẩy giá bán ra lên mức cao kỷ lục.

Theo cập nhật mới nhất từ 39 ngân hàng thương mại, HSBC đang là đơn vị niêm yết giá mua USD cao nhất thị trường, ở mức 26.061 đồng/USD cho cả tiền mặt và chuyển khoản. Ở chiều ngược lại, VietinBank ghi nhận mức mua chuyển khoản thấp nhất, chỉ 25.785 đồng/USD, còn NCB có mức mua tiền mặt thấp nhất là 25.805 đồng/USD.
Về giá bán, OCB đang là ngân hàng có giá bán tiền mặt thấp nhất, ở mức 26.290 đồng/USD. Trong khi đó, HSBC tiếp tục là ngân hàng bán chuyển khoản thấp nhất với 26.297 đồng/USD.
Ở chiều ngược lại, giá bán USD cao nhất trên thị trường đang thuộc về các ngân hàng Eximbank, Saigonbank, UOB và VietABank, cùng niêm yết 26.368 đồng/USD cho giao dịch tiền mặt. SCB là đơn vị có giá bán chuyển khoản cao nhất, ở mức 26.360 đồng/USD.
Tóm tắt nhanh tỷ giá USD hôm nay (08/07/2025):
- Mua tiền mặt thấp nhất: NCB – 25.805 VND
- Mua chuyển khoản thấp nhất: VietinBank – 25.785 VND
- Mua tiền mặt & chuyển khoản cao nhất: HSBC – 26.061 VND
- Bán tiền mặt thấp nhất: OCB – 26.290 VND
- Bán chuyển khoản thấp nhất: HSBC – 26.297 VND
- Bán tiền mặt cao nhất: Eximbank, Saigonbank, UOB, VietABank – 26.368 VND
- Bán chuyển khoản cao nhất: SCB – 26.360 VND
Diễn biến tỷ giá USD trên thị trường quốc tế
Chốt phiên ngày 7/7/2025, chỉ số Dollar Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt gồm EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF, tăng 0,33 điểm lên mức 97,32. Diễn biến này đánh dấu phiên tăng thứ hai liên tiếp của đồng USD, tiếp nối đà phục hồi từ tuần trước nhờ dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ.
Sự hồi phục của USD diễn ra khi giới chức Mỹ chưa đưa ra thông điệp rõ ràng về chính sách thuế quan mới, chỉ vài ngày trước thời điểm then chốt 9/7 – ngày kết thúc giai đoạn hoãn thuế kéo dài 90 ngày. Tổng thống Donald Trump xác nhận các mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, đồng thời cảnh báo sẽ gửi thông báo thuế quan tới khoảng 12 quốc gia. Ngoài ra, mức thuế bổ sung 10% đang được cân nhắc áp lên các nước thân BRICS.
Trong phiên, chỉ số DXY có lúc chạm đỉnh một tuần, tăng 0,34% lên 97,294. Tuy nhiên, USD vẫn đang giao dịch gần đáy 3 năm rưỡi và mất khoảng 10% giá trị từ đầu năm. Điều này phản ánh tâm lý thị trường vẫn nghi ngờ vai trò trú ẩn của USD trong bối cảnh bất ổn chính sách và rủi ro kinh tế toàn cầu.
Theo giới phân tích, nhà đầu tư đang đặt cược rằng chính quyền Mỹ sẽ trì hoãn hoặc linh hoạt hơn trong áp thuế nếu đối tác thương mại đưa ra nhượng bộ. Đồng thời, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa vội nới lỏng chính sách tiền tệ đang phần nào hỗ trợ USD trong ngắn hạn.
Trong rổ tiền tệ, USD tăng mạnh 0,78% lên 145,725 Yên Nhật, mức cao nhất trong một tuần. Diễn biến này diễn ra giữa lúc đàm phán thương mại Mỹ - Nhật chưa đạt tiến triển rõ ràng. Đồng Euro giảm 0,41% xuống 1,1738 USD, dù từ đầu năm vẫn tăng hơn 13%. Đồng Franc Thụy Sĩ suy yếu nhẹ so với USD, tỷ giá đạt 0,797.
Đồng bảng Anh giảm nhẹ 0,08% còn 1,364 USD nhưng vẫn dao động quanh đỉnh kể từ tháng 10/2021. Trong khi đó, các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro như đô la Úc và đô la New Zealand lần lượt giảm 0,61% và 0,63% trước thềm quyết định lãi suất của ngân hàng trung ương hai nước.
Paul Mackel, Giám đốc nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại HSBC, nhận định chính sách không nhất quán của Mỹ tiếp tục tác động lớn đến USD, dù không còn gây sốc như thời điểm đầu tháng 4. Các biến động chính sách hiện vẫn là yếu tố rủi ro tiềm ẩn đối với đồng bạc xanh trong thời gian tới.