Sau sáp nhập, bản đồ đầu tư miền Bắc đang gọi tên tỉnh Phú Thọ mới với hạ tầng, logistics và những “cú hích” tỷ đô
Tỉnh Phú Thọ mới hình thành từ sáp nhập Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, đang trở thành trung tâm công nghiệp, logistics chiến lược.
Vị thế mới trên bản đồ kinh tế miền Bắc
Tỉnh Phú Thọ mới được hình thành từ việc sáp nhập ba tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Phú Thọ đang nổi lên như một trung tâm công nghiệp công nghệ cao và logistics chiến lược tại miền Bắc. Với diện tích hơn 9.300 km², dân số trên 4 triệu người và 148 đơn vị hành chính cấp xã, Phú Thọ mới có quy mô kinh tế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.

Vị trí địa lý thuận lợi là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của tỉnh. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cách Hà Nội chỉ từ 50-80 km, địa phương có điều kiện tiếp cận thị trường tiêu thụ rộng lớn, nguồn lao động chất lượng cao, hạ tầng đồng bộ từ đường bộ, đường sắt, cảng biển đến sân bay quốc tế.
Đặc biệt, trục cao tốc Nội Bài – Lào Cai đang được định hướng trở thành hành lang công nghiệp – logistics nội vùng, kết hợp cùng dự án đường sắt cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ biến Phú Thọ mới thành “mắt xích” then chốt trong mạng lưới vận tải miền Bắc.
Hệ thống các khu công nghiệp hiện hữu như Khai Quang, Thăng Long Vĩnh Phúc, Bá Thiện I, II đã thu hút hàng loạt tập đoàn lớn. Trong thời gian tới, những khu công nghiệp mới như Hùng Vương, Nam Bình Xuyên, VSIP Phú Thọ hợp tác với Sembcorp (Singapore) được kỳ vọng sẽ đưa tỉnh trở thành trung tâm sản xuất chip bán dẫn và công nghệ cao.
Tinh thần cải cách đồng hành cùng doanh nghiệp
Một yếu tố quan trọng làm nên sức hút của Phú Thọ mới là cam kết cải cách hành chính và đồng hành cùng nhà đầu tư. Chính quyền địa phương đã áp dụng cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”, quy trình xử lý thủ tục minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.
Tỉnh cũng triển khai các gói ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất và hỗ trợ đào tạo lao động, tập trung thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, điện tử, tự động hóa. Phương châm “đi trước, đón đầu, đồng hành cùng nhà đầu tư” được hiện thực hóa bằng những hành động cụ thể.
Bên cạnh đó, Phú Thọ mới đang chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác với các trường đại học lớn tại Hà Nội để đào tạo kỹ sư và công nhân lành nghề cho các ngành mũi nhọn như cơ khí chính xác, công nghệ thông tin, điện tử và tự động hóa.
Kết quả tăng trưởng và tiềm năng phát triển
Theo thống kê, tính tổng cả ba tỉnh trước khi sáp nhập, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,09%, nằm trong nhóm 6 địa phương có mức tăng trưởng trên 10% cả nước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 34,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 18,1 tỷ USD và nhập khẩu 16,3 tỷ USD.

6 tháng đầu năm 2025, ba tỉnh cũ đã thu hút 469 triệu USD vốn FDI. Hơn 1.878 doanh nghiệp mới thành lập, tăng 32%, với tổng vốn đăng ký hơn 17.400 tỷ đồng. 818 doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Trong lĩnh vực du lịch, các điểm đến như Tam Đảo, Khu di tích Đền Hùng, lòng hồ Hòa Bình thu hút hơn 16 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 9.200 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển các ngành dịch vụ, nghỉ dưỡng gắn với công nghiệp văn hóa, du lịch di sản.
Về ngân sách, tổng thu 6 tháng đầu năm đạt gần 31.700 tỷ đồng, bằng 78% dự toán và tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2024. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 44,2%, nhiều dự án hạ tầng lớn như đường dây 500KV Lào Cai – Vĩnh Yên, tuyến nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ đã đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Những kết quả trên được đánh giá là bước đà quan trọng, tạo nền tảng để Phú Thọ mới tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế và trở thành cực tăng trưởng mới của miền Bắc Việt Nam.