Vàng - Tỷ giá

Giá vàng hôm nay 7/7/2025: Bất chấp thị trường, vàng nhẫn làm điều không tưởng

Thu Hà 07/07/2025 05:30

Bất chấp đà giảm toàn thị trường, vàng nhẫn vẫn giữ được vị thế hiếm có, tạo khoảng cách với vàng miếng và hé lộ xu hướng tích trữ mới.

Giá vàng trong nước

Trong tuần qua, thị trường vàng trong nước phản ánh khá rõ những tác động từ biến động giá vàng toàn cầu. Tuy nhiên, mức giảm của giá vàng trong nước không sâu bằng thị trường quốc tế.

Giá vàng bất ngờ diễn biến ngược chiều quốc tế
Vàng nhẫn giữ được vị thế bất chấn biến động của thị trường

Cụ thể, giá vàng miếng SJC đã giảm tổng cộng khoảng 1,8 triệu đồng mỗi lượng so với cuối tuần trước đó. Trái lại, vàng nhẫn tròn 999.9 lại ghi nhận mức tăng nhẹ khoảng 100.000 đồng/lượng, cho thấy nhu cầu tích trữ trang sức vàng vẫn ổn định.

Tại hệ thống Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn Vàng Rồng Thăng Long tăng từ 76,28 triệu đồng/lượng lên 76,38 triệu đồng/lượng. Công ty SJC cũng điều chỉnh tăng nhẹ giá nhẫn, với mức mua vào quanh 76,25 triệu đồng/lượng và bán ra 77,6 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia, diễn biến này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, đồng thời thể hiện sức cầu bền bỉ đối với vàng nhẫn và vàng trang sức. Trong bối cảnh chênh lệch giá mua – bán ổn định và mức biến động không lớn, vàng nhẫn trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng cá nhân, ít chịu tác động trực tiếp từ tỷ giá ngoại tệ hay biện pháp điều hành thị trường.

Ở chiều ngược lại, đợt giảm mạnh của vàng miếng SJC đã tạo không ít áp lực tâm lý lên những nhà đầu tư mua vào khi giá ở vùng đỉnh.

Dự báo thời gian tới, nếu giá vàng thế giới phục hồi hoặc tiếp tục biến động mạnh, vàng miếng có khả năng tăng trở lại. Tuy nhiên, triển vọng này phụ thuộc đáng kể vào diễn biến của đồng USD. Nếu đồng bạc xanh duy trì đà mạnh lên, xu hướng điều chỉnh giá vàng miếng có thể còn kéo dài.

Giới phân tích cho rằng, vàng miếng SJC đã phần nào mất đi sức hút từng có trong giai đoạn trước. Trong khi đó, vàng nhẫn lại đang có ưu thế nhờ chênh lệch giá mua – bán hẹp, biên độ biến động “mềm”, phù hợp với nhu cầu tích trữ ngắn hạn hoặc mua sắm cá nhân. Vàng miếng SJC hiện có thể phù hợp hơn với nhà đầu tư dài hạn nếu giá tiếp tục điều chỉnh, nhưng mức độ rủi ro không nhỏ do tác động từ thị trường ngoại hối và chính sách tài chính quốc tế.

Nhìn chung, với biện pháp kiểm soát nguồn cung và điều tiết từ phía cơ quan quản lý, thị trường vàng trong nước khó xảy ra biến động quá đột biến. Tuy vậy, xu hướng phân hóa rõ nét giữa vàng miếng và vàng nhẫn – trang sức đang ngày càng hiện hữu, phản ánh sự thay đổi trong khẩu vị và chiến lược tích trữ của nhà đầu tư cá nhân.

Giá vàng quốc tế

Tuần qua, giá vàng quốc tế nhận được lực đẩy từ hàng loạt yếu tố chính trị - kinh tế. Đáng chú ý, việc Mỹ thông qua gói luật cắt giảm thuế kết hợp tăng chi tiêu công đã thổi bùng lo ngại về rủi ro tài khóa tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chốt phiên giao dịch ngày 5/7 trên sàn Kitco, giá vàng quốc tế đạt 3.337,93 USD/ounce, nhích thêm 10,72 USD so với phiên liền trước. Chỉ số đồng USD gần như hoàn tất tuần giảm thứ hai liên tiếp, khiến giá vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua ngoài nước.

Theo phân tích của ông Edward Meir (Công ty tư vấn Marex), chính sách chi tiêu mới của Mỹ có thể làm suy yếu đồng USD trong dài hạn, từ đó hỗ trợ xu hướng tăng giá của vàng. Dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho thấy luật này có thể làm nợ công Mỹ đội thêm khoảng 3.400 tỷ USD trong 10 năm tới, đẩy tổng nợ lên ngưỡng 36.200 tỷ USD.

Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ xúc tiến áp thuế từ ngày 4/7 và nhiều khả năng duy trì kế hoạch áp thuế diện rộng vào ngày 9/7, động thái có thể gây thêm áp lực lên đồng USD.

Dự báo giá vàng

Triển vọng giá vàng ngắn hạn đang gây nhiều tranh luận trong giới phân tích và nhà đầu tư.

Kết quả khảo sát hàng tuần của Kitco News cho thấy, trong số 14 chuyên gia tham gia, 36% cho rằng giá sẽ tiếp tục tăng, 28% dự đoán giảm và 36% nhận định đi ngang. Trong cuộc bình chọn trực tuyến với 243 nhà đầu tư cá nhân, tỷ lệ lạc quan cao hơn: 59% kỳ vọng vàng đi lên, 20% dự báo giảm và 21% cho rằng giá không thay đổi đáng kể.

Ông Adam Button, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Forexlive.com, bày tỏ niềm tin giá vàng sẽ tăng, khi đồng USD đã quay đầu giảm mạnh ngay sau báo cáo việc làm tích cực, phản ánh lực bán USD vẫn chiếm ưu thế.

Tương tự, ông Rich Checkan (Asset Strategies International) cũng dự báo xu hướng giá lên, nhấn mạnh gói luật thuế khổng lồ có thể đẩy nợ công Mỹ lên hơn 50.000 tỷ USD trước năm 2035, trong khi quỹ An sinh xã hội có nguy cơ cạn kiệt. Ông nhận định, vàng sẽ được xem như kênh trú ẩn an toàn khi rủi ro chi tiêu vượt kiểm soát trở thành hiện thực.

Ở chiều ngược lại, ông Adrian Day (Adrian Day Asset Management) dự đoán giá vàng sẽ điều chỉnh giảm ngắn hạn do nhiều yếu tố bất lợi, bao gồm triển vọng Fed cắt lãi suất, nhu cầu vàng giảm từ ngân hàng trung ương và nhà đầu tư Trung Quốc, cũng như tiến triển trong đàm phán thương mại.

Chiến lược gia Colin Cieszynski (SIA Wealth Management) cảnh báo Fed đang đối mặt thế khó: lạm phát hạ nhiệt nhưng tăng trưởng vẫn mạnh. Nếu cắt lãi suất quá sớm, điều này có thể phát tín hiệu sai về sức khỏe nền kinh tế. Theo ông, nguyên nhân chính giúp vàng duy trì vùng giá hiện tại là đồng USD giảm sâu so với nhiều đồng tiền lớn.

Trong khi đó, ông Marc Chandler (Bannockburn Global Forex) cho rằng đà hồi phục của vàng sẽ còn chật vật, khi số liệu việc làm Mỹ tích cực đã kéo lãi suất lên cao, chặn đứng sóng tăng giá. Ông dự báo vàng có khả năng tiếp tục điều chỉnh về quanh vùng 3.250 USD/ounce, thậm chí thấp hơn nếu đà tích lũy chưa kết thúc.

Thu Hà