Nông dân Bắc Ninh bền bỉ chăm từng “chùm ngọc đỏ”, chinh phục thị trường khó tính, viết nên câu chuyện tỷ đồng
Nhờ sự kiên định, món đặc sản đã được nông dân Bắc Ninh mở rộng thị trường sang quốc tế, không chỉ tăng giá trị kinh tế mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững.
Chuyển đổi sản xuất hướng đến tiêu chuẩn cao
Những ngày giữa vụ thu hoạch, vườn vải thiều của nông dân Lê Văn Kiên tại tổ dân phố Đồng Dao, phường Phượng Sơn, tỉnh Bắc Ninh trở thành điểm đến quen thuộc của thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu. Vườn rộng 5 ha với những chùm vải đỏ mọng, căng tròn được gia đình anh dày công chăm sóc từ năm 1995 đến nay.
Nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường cao cấp, từ năm 2020, gia đình anh Kiên đã chuyển đổi toàn bộ phương thức canh tác sang quy trình sản xuất đạt chuẩn GlobalGAP. Dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, từng công đoạn từ bón phân, tưới nước đến phòng trừ sâu bệnh đều tuân thủ chặt chẽ. Nhật ký chăm sóc được ghi chép đầy đủ để bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhờ đó, chất lượng và mẫu mã vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật Bản và châu Âu. Vụ vải năm nay, sản lượng dự kiến đạt khoảng 80 tấn quả. Một nửa sản lượng đã được tiêu thụ ngay tại vườn với giá trung bình loại đẹp 25.000 đồng/kg. Những quả không đạt chuẩn hình thức được bán cho doanh nghiệp chế biến vải cùi đông lạnh, giúp tận dụng tối đa giá trị sản phẩm. Anh Kiên cho biết: “Tuy vất vả hơn nhưng đổi lại là sự ổn định đầu ra, sản phẩm được bao tiêu toàn bộ”. Năm nay, gia đình kỳ vọng thu về hơn 1 tỷ đồng từ vụ vải thiều.
Nông dân vượt khó, kiên định sản xuất an toàn
Không chỉ tại Bắc Ninh, nhiều nông dân vùng Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang cũ cũng duy trì mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Điển hình là gia đình ông Lý Văn Trí ở thôn Chay, xã Lục Ngạn, với diện tích canh tác 2 ha. Dù thời tiết năm nay có nhiều đợt nắng hạn kéo dài, ông Trí vẫn chủ động đầu tư hệ thống tưới nước phù hợp và bón phân khoa học.
Nhờ giải pháp kịp thời, vườn vải phục hồi nhanh sau giai đoạn khô hạn, tỷ lệ đậu quả ổn định. Dự kiến sản lượng thu hoạch khoảng 30 tấn, giá bán dao động 15.000–25.000 đồng/kg. Ngoài sản xuất, ông Trí còn tích cực kết hợp du lịch nông nghiệp. Mỗi mùa thu hoạch, vườn vải trở thành điểm đến của du khách và các nhà sáng tạo nội dung phát trực tiếp bán hàng trên nền tảng số.
Hình ảnh vườn vải đẹp, chất lượng cao được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội giúp sản phẩm tiêu thụ nhanh chóng, tiếp cận người tiêu dùng cả nước. Đây là minh chứng cho sự nhạy bén của nông dân trong việc kết hợp sản xuất nông sản với thương mại điện tử và quảng bá du lịch.
Mở rộng thị trường, nâng cao giá trị nông sản
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, tỉnh Bắc Giang hiện có khoảng 29.700 ha vải thiều, trong đó hơn 16.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhờ ưu tiên chất lượng, sản phẩm không chỉ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc mà còn có mặt tại nhiều thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, châu Âu, Trung Đông.

Theo phản hồi từ các doanh nghiệp nhập khẩu, vải thiều Việt Nam có mẫu mã đồng đều, chất lượng bảo đảm và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thành công này không chỉ là nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành chức năng mà còn nhờ sự thay đổi tư duy của người nông dân – những người kiên định coi chất lượng là yếu tố then chốt để phát triển bền vững.
Thực tế cho thấy, hướng sản xuất nông nghiệp an toàn đã mở ra cơ hội tiêu thụ ổn định, giá bán cao hơn so với sản phẩm truyền thống. Ngoài ra, việc sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế còn tạo lợi thế trong việc xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu.