Chuyển động

Tây Ninh vừa gật đầu loạt dự án nuôi heo độc lạ của BAF Việt Nam

Thu Hà 06/07/2025 17:49

Tây Ninh vừa thông qua loạt dự án chăn nuôi và chế biến heo quy mô lớn của BAF Việt Nam, mở ra bước đi khác biệt trong chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngày 6/7, ông Nguyễn Đình Xuân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết UBND tỉnh vừa ban hành quyết định điều chỉnh và thông qua chủ trương đầu tư đối với nhiều dự án chăn nuôi, chế biến thực phẩm quan trọng.

Chung cư nuôi heo
Không chỉ góp phần giải quyết áp lực quỹ đất, mô hình trang trại nuôi heo nhiều tầng còn mở ra cơ hội đáng kể để tối ưu chi phí nhân sự và vận hành

Theo đó, địa phương đã cấp chấp thuận cho Công ty TNHH Chế biến thực phẩm BAF Tây Ninh phát triển nhà máy giết mổ và chế biến sản phẩm thịt heo trên diện tích 25ha. Cùng thời điểm, hai dự án xây dựng trang trại nuôi heo cao tầng ứng dụng công nghệ lọc không khí và xử lý mùi, mỗi dự án rộng 65ha, cũng được phê duyệt. Chủ đầu tư của các dự án này là Công ty TNHH Chăn nuôi Công nghệ cao BAF Tây Ninh 1 và BAF Tây Ninh 2 – những pháp nhân trực thuộc Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF).

Ông Xuân nhấn mạnh các doanh nghiệp đã cam kết tuân thủ tiến độ, nếu không triển khai đúng hạn sẽ bị thu hồi giấy phép đầu tư.

Mô hình “chung cư nuôi heo” lần đầu xuất hiện tại Việt Nam

Trước đó, BAF từng gửi đề xuất đến Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc xây dựng tổ hợp trang trại nuôi heo thông minh nhiều tầng. Trong đó, dự án quy mô lớn đặt tại Tây Ninh, dự kiến nuôi 64.000 heo nái và cung ứng khoảng 1,6 triệu con heo thịt mỗi năm. Dự án thứ hai, ban đầu lên kế hoạch triển khai tại Bình Phước, quy mô 20.000 heo nái, sản lượng 500.000 heo thịt mỗi năm.

Các dự án này áp dụng mô hình trại cao tầng – giải pháp chăn nuôi từng được Muyuan, tập đoàn heo lớn nhất Trung Quốc phát triển thành công. Mỗi công trình gồm nhiều tầng chuyên biệt: tầng trên cùng dành cho heo nái sinh sản, tầng giữa nuôi heo con và heo cai sữa, tầng thấp nhất để nuôi heo thịt. Muyuan dự kiến hỗ trợ BAF nâng tổng quy mô lên 450.000 heo nái và 10 triệu heo thương phẩm vào năm 2030.

Theo ông Gao Tong (Cao Đồng), Giám đốc tài chính Muyuan, tại Trung Quốc mô hình này đã chứng minh hiệu quả vận hành rõ rệt nhờ thiết kế tối ưu.

Ông Nguyễn Văn Minh – Phó Tổng Giám đốc BAF chia sẻ, chi phí xây dựng trại cao tầng có thể cao hơn trại truyền thống từ 45% đến 50%. Tuy vậy, phương án này giúp giảm mạnh nhu cầu diện tích đất. Một dự án nuôi 2,1 triệu heo tại Trung Quốc chỉ cần 85ha, thay vì gần 450ha theo kiểu cũ. Thậm chí, mô hình 4.000 heo nái và sản lượng 100.000 heo thịt/năm chỉ chiếm khoảng 6,7ha, tiết kiệm đến 90% diện tích.

Ngoài lợi thế quỹ đất, hệ thống tự động hóa và công nghệ lọc khí hiện đại cũng góp phần giảm 20–30% chi phí lao động, đồng thời cắt giảm đáng kể chi phí logistics.

Ông Minh cho biết thêm, ngoài các dự án tại Tây Ninh, BAF đang nghiên cứu thêm một số địa điểm khác tại Tây Nguyên và Nam Bộ để nhân rộng mô hình trại cao tầng. Công ty cũng dự định phát triển thêm dự án tương tự ở miền Bắc – nơi quỹ đất eo hẹp hơn và rất phù hợp với mô hình “chung cư nuôi heo”.

Hiệu quả kinh tế của mô hình độc lạ

Theo tìm hiểu, không chỉ góp phần giải quyết áp lực quỹ đất, mô hình trang trại nuôi heo nhiều tầng còn mở ra cơ hội đáng kể để tối ưu chi phí nhân sự và vận hành. Theo ước tính, một trang trại cao tầng quy mô khoảng 4.000 heo nái và sản lượng 100.000 heo thịt mỗi năm chỉ cần từ 95 đến 100 lao động để duy trì hoạt động, trong khi một cơ sở nuôi truyền thống tương đương phải bố trí tới 150–160 nhân công. Mức chênh lệch này giúp doanh nghiệp giảm được khoảng 27% chi phí lao động.

Ngoài ra, nhờ hệ thống vận chuyển tự động tích hợp trong tòa nhà, thời gian di chuyển đàn heo giữa các khu vực cũng được rút ngắn đáng kể. Đại diện BAF cho biết, thay vì mất gần một ngày để vận chuyển một lứa heo như trước, nay công nhân có thể sử dụng thang máy chuyên dụng để hoàn tất quy trình trong thời gian ngắn, tương tự vận hành trong một tòa nhà chung cư.

Dù sở hữu nhiều ưu điểm, mô hình này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Chi phí xây dựng trang trại nuôi heo cao tầng thường cao hơn khoảng 45–50% so với trại truyền thống, do phải trang bị đồng bộ hệ thống tự động hóa, hạ tầng hiện đại và thiết bị kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, BAF kỳ vọng khoản đầu tư này sẽ được bù đắp về lâu dài nhờ tiết kiệm diện tích đất, giảm chi phí nhân công và hạn chế thiệt hại do rủi ro dịch bệnh.

Một thách thức không nhỏ của mô hình “chung cư nuôi heo” là mức độ tương thích với điều kiện khí hậu và môi trường chăn nuôi ở Việt Nam. Dù đã được triển khai thành công tại Trung Quốc, quá trình áp dụng thực tế trong nước đòi hỏi điều chỉnh linh hoạt, nhất là khâu xử lý chất thải và kiểm soát môi trường khép kín – những yếu tố được xem là thách thức lớn nhất hiện nay.

Thu Hà