Thành phố rộng nhất Việt Nam sau sáp nhập: Sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới, 2 sân bay quốc tế và 3 cảng biển
Sau sáp nhập, địa phương này sẽ là thành phố rộng nhất nước. Đây cũng là thành phố có bờ biển dài nhất và có tới 2 sân bay.
Thành phố có diện tích lớn nhất sau sáp nhập
Kể từ ngày 1/7/2025, sau khi chính thức sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng mới đã trở thành thành phố rộng nhất cả nước, với diện tích hơn 12.869km². Đây là bước chuyển mình có tính lịch sử, kết nối sức mạnh địa lý – văn hóa – kinh tế giữa hai vùng đất vốn gắn bó mật thiết trong suốt chiều dài lịch sử.

Việc hợp nhất giúp Đà Nẵng mới sở hữu bờ biển dài khoảng 200km, trải dài từ Lăng Cô đến Bình Sơn, vượt xa các đô thị ven biển khác về quy mô tiếp cận biển. Với lợi thế này, thành phố dễ dàng phát triển các ngành kinh tế biển, dịch vụ du lịch và logistic ven biển trên quy mô lớn hơn.
Đáng chú ý, TP Đà Nẵng mới sở hữu hai sân bay: Đà Nẵng (thuộc tốp 3 sân bay lớn nhất Việt Nam) và Chu Lai (đang được quy hoạch thành trung tâm vận tải hàng không – logistics quốc tế). Đồng thời, thành phố cũng có ba cảng biển: Tiên Sa, Liên Chiểu và Chu Lai, tạo nên trục kết nối đường thủy chiến lược từ Bắc Trung Bộ đến Duyên hải phía Nam.

Về văn hóa – di sản, thành phố có tới hai Di sản văn hóa thế giới: Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn – hai điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam với giá trị lịch sử và kiến trúc đặc biệt. Ngoài ra, bài chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, cùng hàng chục làng nghề truyền thống được đưa vào danh mục Di sản quốc gia.
Hệ sinh thái tự nhiên của TP Đà Nẵng mới cũng nổi bật với khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn Bà Nà – Núi Chúa, tạo nền tảng bền vững cho phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn và khai thác thiên nhiên hài hòa.
Hạ tầng giao thông cũng là điểm cộng đáng kể với quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường ven biển và tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua nhiều trung tâm kinh tế trọng điểm, giúp Đà Nẵng mới trở thành điểm trung chuyển quan trọng của toàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Quy mô kinh tế tăng trưởng ấn tượng, doanh nghiệp phát triển mạnh
Bên cạnh thế mạnh về địa lý và hạ tầng, TP Đà Nẵng mới còn ghi nhận những con số tích cực về tăng trưởng kinh tế sau hợp nhất. Theo báo cáo mới nhất từ Sở Tài chính, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm của Đà Nẵng mới ước đạt tăng 9,4%, trong đó khu vực Đà Nẵng cũ tăng 11,03% và Quảng Nam tăng 7,42%.

Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khởi sắc khi thành phố đã cấp mới 47 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 122,11 triệu USD. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng cấp mới 42 dự án trong nước với tổng vốn hơn 17.952 tỷ đồng – cho thấy sức hấp dẫn ổn định của môi trường đầu tư.
Nửa đầu năm, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tại thành phố cũng tăng trưởng vượt kỳ vọng. 3.102 doanh nghiệp mới được cấp phép hoạt động với tổng vốn điều lệ lên đến 12.599 tỷ đồng, tăng 14% về số lượng và 31,02% về vốn so với cùng kỳ 2024.
Về thu ngân sách, tổng thu của TP Đà Nẵng trong 6 tháng đạt hơn 28.969 tỷ đồng, bằng 57,2% kế hoạch cả năm. Trong đó, thu nội địa đạt 25.597 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất – nhập khẩu đạt 3.354 tỷ đồng.
Về đầu tư công, tính đến 30/6/2025, TP Đà Nẵng mới đã giải ngân 5.471 tỷ đồng, đạt 30,5% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao. Nhiều dự án quan trọng đã được đưa vào sử dụng như: Cầu Quảng Đà, Khu công viên phần mềm số 2, Trung tâm dữ liệu tỉnh Quảng Nam, chống xói lở biển Cửa Đại, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang...
Với việc hợp nhất hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao – một bên là công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hiện đại (Đà Nẵng), một bên là công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch văn hóa và nông nghiệp (Quảng Nam), TP Đà Nẵng mới được kỳ vọng trở thành siêu đô thị ven biển, giữ vai trò đầu tàu phát triển miền Trung.
Hội tụ cả thế mạnh hạ tầng, địa lý, chính sách và con người, Đà Nẵng mới không chỉ là thành phố lớn nhất nước về diện tích mà còn là biểu tượng cho mô hình phát triển đô thị đa trung tâm, liên kết vùng mạnh mẽ – mở ra một thời kỳ tăng trưởng bền vững và toàn diện cho khu vực miền Trung.