BRICS là nhóm gì? Gồm những quốc gia nào? Việt Nam gia nhập BRICS chưa?
BRICS là nhóm các quốc gia đầy tham vọng. Việt Nam có nằm trong nhóm BRICS không là điều nhận được quan tâm lớn.
BRICS là nhóm gì?
BRICS là một nhóm các nền kinh tế mới nổi, có tên viết tắt của 5 quốc gia: Brazil, Russia (Nga), India (Ấn Độ), China (Trung Quốc) và South Africa (Nam Phi). Thuật ngữ này được nhà kinh tế học Jim O’Neill thuộc ngân hàng Goldman Sachs đề xuất năm 2001, nhằm chỉ nhóm nước có tiềm năng trở thành đầu tàu tăng trưởng toàn cầu.

Ban đầu, BRIC chỉ gồm 4 quốc gia, đến năm 2010 mới kết nạp Nam Phi, trở thành BRICS. Nhóm này không đơn thuần là một khối kinh tế, mà còn là đại diện cho những nền kinh tế ngoài trục quyền lực truyền thống như G7. Với dân số chiếm hơn 40% thế giới và đóng góp khoảng 1/3 GDP toàn cầu, BRICS đặt mục tiêu tạo ra một thế giới đa cực, nơi tiếng nói của các nước đang phát triển có trọng lượng hơn trong các tổ chức quốc tế.
Điều đáng chú ý là BRICS còn có tham vọng giảm phụ thuộc vào đồng USD, thông qua việc thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank – NDB) và kêu gọi thanh toán bằng nội tệ. Các cuộc họp thượng đỉnh hằng năm của nhóm này cũng bàn thảo sâu về thương mại, năng lượng, an ninh và công nghệ, hướng tới việc hình thành một trục ảnh hưởng riêng ngoài NATO – IMF – World Bank.
BRICS gồm những quốc gia nào và vì sao nhóm này đang mở rộng?
Ban đầu, BRICS chỉ bao gồm 5 thành viên chính thức: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, nhóm này đang đẩy mạnh mở rộng để thành một liên minh lớn hơn với tên gọi BRICS+. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi tháng 8/2023, BRICS đã chính thức mời thêm 6 quốc gia gia nhập từ ngày 1/1/2024, bao gồm: Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Mặc dù sau đó Argentina rút lui, nhưng đây vẫn được xem là dấu mốc lớn cho tham vọng định hình lại trật tự toàn cầu của nhóm này.
BRICS+ đang hướng tới việc kết nạp thêm nhiều quốc gia khác từ khu vực châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á và Mỹ Latinh. Những nước này không chỉ mang đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn là thị trường rộng lớn và tiếng nói chính trị độc lập trong các diễn đàn quốc tế. Điểm chung của các quốc gia BRICS+ là cùng chia sẻ mong muốn giảm sự lệ thuộc vào phương Tây, đồng thời tìm kiếm các mô hình hợp tác song phương, đa phương công bằng hơn.
Hiện tại, BRICS đã có ngân hàng phát triển riêng (NDB), cấp vốn cho các dự án hạ tầng và năng lượng tại các nước thành viên. Nhóm cũng đang thảo luận việc phát triển đồng tiền chung để phục vụ thương mại nội khối, qua đó từng bước tách khỏi ảnh hưởng của đồng USD. Nếu thành công, BRICS có thể trở thành liên minh kinh tế – tài chính lớn nhất thế giới, đủ sức cạnh tranh với G7 và G20 trong dài hạn.
Việt Nam là gì với nhóm BRICS?
Câu hỏi "Việt Nam đã gia nhập BRICS chưa?" thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội và các diễn đàn kinh tế. Câu trả lời hiện tại là: CHƯA.
Việt Nam không phải thành viên chính thức của BRICS hay BRICS+. Nhưng đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận việc trở thành nước đối tác của nhóm BRICS.

Ngày 14/6, trả lời về thông tin Brazil công bố Việt Nam chính thức trở thành nước đối tác của nhóm BRICS, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh:
"Trên tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, Việt Nam đã, đang và sẽ có những đóng góp thiết thực tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương, qua đó đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Cùng với việc tham gia tích cực vào các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) mở rộng, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)…, Việt Nam trở thành nước đối tác Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) với mong muốn nỗ lực đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế."
Ngày 14/6, Brazil - nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm BRICS - đã công bố việc Việt Nam chính thức trở thành nước đối tác của nhóm này.
Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS mở rộng (BRICS+) tại Kazan, Nga.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3/2025, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã trân trọng mời Việt Nam cử đoàn cấp cao tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2025.
Nhận lời mời của Tổng thống Brazil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Cộng hoà Liên bang Brazil từ ngày 4 - 8/7/2025.