Mô hình mới

Cha truyền nghề, con dựng xưởng, người nông dân An Giang ươm mầm thứ "đặc sản" mới, thu nhập cứ thế tăng cao, cuộc sống khấm khá

Tuấn Anh 04/07/2025 16:09

Từ mô hình mới mẻ, người nông dân An Giang duy trì thu nhập ổn định và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh.

Cha giữ nghề, con giữ lửa

Giữa vùng đất nhiều biến động, gia đình người nông dân Trần Thế Truyền (58 tuổi, xã Hòa An, huyện Chợ Mới cũ) vẫn gắn bó với nghề trồng sương sâm suốt gần 30 năm. Bắt đầu từ năm 1995, ông Truyền nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng địa phương thích hợp để phát triển loại cây này, nên đã trồng thử nghiệm cả hai giống sương sâm: lá trơn và lá hình quả tim có lông mịn.

Vườn sương sâm
Trồng sương sâm giúp nông dân có thu nhập ổn định

Ông Truyền cho biết, sâm lá trơn phát triển khỏe, ít sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc, còn sâm lông khó trồng hơn, dễ chết và đòi hỏi chi phí đầu tư cao nhưng vẫn được duy trì để phục vụ nhóm khách hàng riêng có nhu cầu. Hiện tại, ông trồng khoảng 1.000m² sâm lông và hơn 1.000m² sâm trơn, cùng 8.000m² đất luân canh lúa, mè, bắp.

Tuy diện tích không quá lớn, nhưng nguồn thu từ sương sâm khá ổn định. Vào mùa nắng, giá sâm trơn dao động khoảng 50.000 đồng/kg, sâm lông lên đến 90.000 đồng/kg. Dù vậy, mùa mưa sức mua giảm, trung bình ba ngày ông mới thu hoạch một đợt, mỗi đợt bán ra khoảng 25–30kg lá.

“Lúc đầu tôi phải lặn lội từ Châu Đốc đến Cần Thơ để tìm người mua. Vừa có chút ổn định thì mẹ rồi vợ tôi lâm bệnh nặng. Mọi tiền của tích góp tiêu tan, nhưng nhờ cây sương sâm mà tôi còn xoay xở, bám trụ được,” ông Truyền chia sẻ.

Hiện con trai ông, anh Tân, đang triển khai dự án cơ sở chế biến sương sâm ngay tại nhà. Anh tự tay thiết kế thiết bị chế biến khép kín, hướng đến sản phẩm đảm bảo vệ sinh, giữ nguyên hương vị tự nhiên. Dự kiến sau khi hoàn tất thủ tục kinh doanh, sản phẩm sẽ được cung cấp cho các tiệm giải khát kèm tủ lạnh bảo quản. Với cách làm bài bản, gia đình kỳ vọng nâng giá trị cây sương sâm lên thành đặc sản địa phương.

Mô hình giàn treo tối ưu công chăm sóc

Tại cồn Bà Hòa (ấp Thạnh Phú, xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành cũ), chị Nguyễn Thị Như Bình (36 tuổi) cũng đang phát triển mô hình trồng sương sâm trơn trên diện tích 3.000m². Chị Bình cho biết sâm trơn phù hợp thổ nhưỡng, ít sâu bệnh, thời gian từ trồng đến thu hoạch chỉ khoảng 3 tháng, mỗi gốc có thể cho lá ổn định suốt 2–3 năm trước khi tái tạo giống.

Ông Nguyễn Hữu Tâm (50 tuổi), người làm vườn cho chị Bình, đang chăm sóc vườn sâm trơn xanh tốt
Ông Nguyễn Hữu Tâm (50 tuổi), người làm vườn cho chị Bình, đang chăm sóc vườn sâm trơn xanh tốt (Ảnh: Báo An Giang)

“Ban đầu tôi dùng giàn bằng cây, nhưng mau mục và tốn công thay. Sau chuyển sang khung sắt, tuy chi phí ban đầu vài chục triệu nhưng bền chắc, thu hoạch cũng tiện lợi. Mỗi khi hái, chỉ cần hạ dây xuống, tuốt lá, phân loại rồi cuộn dây lại cho lá non tiếp tục ra”, chị Bình chia sẻ.

Mỗi ngày, gia đình chị thu hoạch từ 20–50kg lá sâm, chủ yếu tiêu thụ tại TP.HCM. Chị ưu tiên dùng phân bón NPK hoặc DAP để giữ độ dai và mùi thơm tự nhiên khi chế biến. Theo chị, sương sâm không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, nhờ đặc tính mát gan, giải nhiệt và giá trị dinh dưỡng cao.

Cây sương sâm và kỳ vọng phát triển bền vững

Từ một loại dây leo mọc hoang, sương sâm đang trở thành nguồn sinh kế ổn định cho nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long. Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, sản phẩm không chỉ được bán tươi mà còn có thể chế biến thành bột, thạch, hoặc đóng gói thành phẩm tiện lợi.

Giới chuyên gia nhận định, mô hình trồng sương sâm kết hợp sơ chế, bảo quản tại chỗ là hướng đi phù hợp trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thực phẩm xanh tăng cao. Các hộ sản xuất nhỏ lẻ nếu liên kết được với doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu có thể gia tăng giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra.

Với những hộ gắn bó nhiều năm, cây sương sâm không chỉ là kế sinh nhai mà còn là minh chứng cho tinh thần bền bỉ của nông dân trước khó khăn. Cha giữ nghề, con giữ lửa – cách mà gia đình ông Truyền đang gìn giữ và phát triển một sản phẩm bình dị thành nguồn thu nhập bền vững.

Tuấn Anh