Phong cách

Phong cách sống người Phú Quốc có gì đặc biệt mà "giữ chân" được mọi du khách?

Minh Phương 04/07/2025 14:33

Giữa nhịp sống du lịch sôi động, phong cách sống người Phú Quốc vẫn giản dị và đầy bản lĩnh.

Biển cả hun đúc nên phong cách sống phóng khoáng và giản dị

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, còn được mệnh danh là “đảo ngọc” không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp biển xanh, cát trắng mà còn hấp dẫn bởi chính phong cách sống của người dân nơi đây: phóng khoáng, thân thiện, dễ hòa đồng nhưng cũng đầy bản lĩnh và linh hoạt.

phuquoc.jpg

Từ bao đời, người dân Phú Quốc sống cùng biển, mưu sinh bằng nghề chài lưới, làm mắm, nuôi cá lồng, phơi khô cá hay khai thác ngọc trai. Biển cả không chỉ cung cấp kế sinh nhai mà còn định hình lối sống đặc trưng – nơi con người học cách sống rộng rãi, không câu nệ.

Người dân nơi đây thường nói, sống ở đảo là sống “thoáng”. Cái thoáng ấy không chỉ là khí hậu, không gian mà là ở tính cách: không cầu kỳ, không phô trương, dễ nói chuyện, dễ kết bạn. Dù bạn là khách du lịch hay người mới đến định cư, chỉ sau vài câu chuyện là bạn có thể ngồi chung mâm cá nướng, chia sẻ ly rượu bên bếp than giữa bờ biển.

Phong cách sống dân đảo ấy cũng thường gắn với sự chịu thương chịu khó.

Giữa đô thị hóa, người dân vẫn giữ chất “dân đảo”

Từ khi chính thức trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam vào năm 2021, Phú Quốc đã chuyển mình mạnh mẽ. Sự phát triển của bất động sản, hạ tầng và du lịch kéo theo những làn sóng di dân và cả thay đổi về phong cách sống. Từ một làng chài yên bình, Phú Quốc giờ đây đã có khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, sân bay quốc tế và vô số điểm du lịch sang trọng.

phuquoc.png

Tuy nhiên, điều đặc biệt là người dân Phú Quốc và đặc biệt là thế hệ bản địa vẫn giữ được chất “dân đảo” của mình. Họ có thể đi làm ở resort ban ngày, mặc đồng phục, nói tiếng Anh với khách Tây, nhưng tối về vẫn ăn bữa cơm gia đình đơn sơ với cá kho, rau rừng và nước mắm truyền thống.

Lối sống đó thể hiện sự thích nghi rất nhanh, rất thực tế. Người Phú Quốc không bị cuốn theo đô thị hóa một cách mù quáng. Họ học hỏi điều mới nhưng vẫn biết giữ lấy nếp cũ và một ngôi nhà mái ngói giữa khu du lịch, một chiếc võng mắc trước thềm trong ánh hoàng hôn, tiếng sóng vỗ rì rào thay cho nhạc nền thành phố.

Giới trẻ Phú Quốc cũng ngày càng năng động: mở quán cà phê ven biển, hướng dẫn du lịch lặn ngắm san hô, quay TikTok quảng bá quê hương. Nhưng trong ánh mắt họ, vẫn giữ được sự tự hào về nguồn gốc, con cháu của những ngư dân, của làng nghề nước mắm trăm năm tuổi, của một vùng đất từng là nơi lưu giữ người lính và dân thường giữa thời chiến.

phuquoc1.png
Cầu Cầu hôn Phú Quốc

Gìn giữ gốc gác: Văn hóa làng chài, tín ngưỡng biển và lối sống cộng đồng

Dù hiện đại hóa, người dân Phú Quốc chưa từng đánh mất truyền thống. Các làng chài như Hàm Ninh, Rạch Vẹm, Gành Dầu… vẫn giữ nhịp sống riêng: sáng ra khơi, chiều về giũ lưới, đêm quây quần quanh bếp lửa.

Tín ngưỡng dân gian đặc trưng của biển đảo như lễ Nghinh Ông (thờ Cá Ông), cúng biển, lễ Tết Nguyên tiêu, ngày giỗ miếu vẫn được tổ chức đều đặn. Những nghi lễ này không chỉ là nét văn hóa tâm linh, mà còn là dịp gắn kết cộng đồng, thể hiện lòng biết ơn với trời đất và biển cả, nguồn sống thiêng liêng của người dân đảo.

Bên cạnh đó, nghề truyền thống như làm nước mắm, làm khô, nghề ngọc trai… vẫn được gìn giữ và truyền lại. Ngày nay, nhiều hộ gia đình kết hợp mô hình du lịch cộng đồng, cho du khách trải nghiệm làm mắm, đi bắt hàu, kéo lưới…vừa quảng bá văn hóa, vừa tạo thêm thu nhập.

Lối sống cộng đồng của người Phú Quốc cũng đáng chú ý: khi có ai trong làng gặp nạn trên biển, cả xóm chung tay. Trẻ con đi học được cả xóm nhắc nhở. Một ngư dân lớn tuổi từng chia sẻ: “Phú Quốc rộng thì rộng, nhưng sống ở đây ai cũng biết nhau hết – không giữ nếp thì không ra dân đảo”.

Phong cách sống người Phú Quốc là sự giao thoa thú vị giữa truyền thống và hiện đại, giữa biển cả bao la và dòng người tấp nập. Họ sống chậm mà không cũ, giản dị nhưng không đơn điệu, học hỏi cái mới nhưng vẫn vững gốc.

Chính sự phóng khoáng, linh hoạt và bền bỉ ấy đã tạo nên một “chất Phú Quốc” rất riêng, không lẫn vào đâu được trong bản đồ văn hóa Việt Nam.

Minh Phương