Một quốc gia dùng 'quân bài chiến lược' khiến ngành công nghiệp ô tô thế giới chao đảo
Khi nguồn cung bị siết lại, các nhà máy sản xuất ô tô khổng lồ phải dừng hoạt động và tất cả nhận ra mình đang phụ thuộc vào một cửa ải duy nhất.
Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đã trải qua một cú sốc lớn sau khi Trung Quốc đột ngột cắt giảm xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm. Hành động này đã ngay lập tức gây ra tình trạng hoảng loạn, buộc các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu phải đóng cửa nhà máy và Ford phải tạm dừng dây chuyền sản xuất mẫu SUV Explorer phổ biến của mình.

Đất hiếm hiện diện trong mọi thứ từ điện thoại thông minh, máy bay chiến đấu đến các thiết bị gia dụng. Đối với ô tô, chúng càng quan trọng hơn: xe động cơ đốt trong dùng đất hiếm trong bộ chuyển đổi xúc tác, còn xe điện cần chúng cho động cơ và pin.
Gracelin Baskaran, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), khẳng định: "Đất hiếm thực sự quan trọng. Bạn sẽ không thể sản xuất ô tô nếu không có đất hiếm."
Trung Quốc kiểm soát khoảng 70% hoạt động khai thác, nhưng thống trị tới 90% khâu xử lý và độc quyền tuyệt đối trong việc xử lý các nguyên tố đất hiếm nặng – loại khoáng sản vừa bị siết xuất khẩu.
"Đòn giáng này đến quá đột ngột", Dan Hearsch, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn AlixPartners, cho biết. "Không ai có thời gian để phản ứng. Chỉ trong vài tuần, toàn bộ nguồn cung trong chuỗi đã cạn kiệt."
Dù Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng một phần hạn chế trong tháng này và chính quyền Mỹ cho biết đã đạt được một thỏa thuận nhằm đẩy nhanh việc vận chuyển, nhưng tương lai vẫn vô cùng bất định.
"Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi khó khăn", chuyên gia Baskaran cảnh báo.
Cuộc khủng hoảng này có thể là một hồi chuông cảnh tỉnh, thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô tìm kiếm các giải pháp dài hạn như tái chế, phát triển các nguồn cung mới ngoài Trung Quốc, và đổi mới công nghệ để giảm sự phụ thuộc.