Kiến thức

Mỹ tăng cường trừng phạt mạng lưới dầu mỏ và tài chính Iran

Tuấn Anh 04/07/2025 12:26

Mỹ vừa công bố lệnh trừng phạt nhằm vào mạng lưới vận chuyển dầu mỏ Iran và một số thực thể liên quan đến Hezbollah.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 3/7 công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào mạng lưới được cho là giúp Iran che giấu nguồn gốc dầu mỏ để xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Theo cáo buộc, mạng lưới này vận hành thông qua các công ty do doanh nhân người Iraq Salim Ahmed Said điều hành, sử dụng hình thức “vận chuyển trá hình” bằng cách pha trộn dầu Iran với dầu Iraq.

Mỹ áp thuế Iran
Mỹ bất ngờ ra lệnh trừng phạt đối với Iran

Các hoạt động này diễn ra ít nhất từ năm 2020, với khối lượng giao dịch lên tới hàng tỉ USD. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định Washington sẽ tiếp tục “nhắm trực tiếp vào các nguồn thu chủ chốt của Tehran và tăng cường áp lực kinh tế nhằm làm suy yếu khả năng tiếp cận nguồn tài chính” của Iran.

Danh sách trừng phạt lần này cũng bao gồm một số tàu vận tải bị cáo buộc tham gia vào hoạt động mua bán và vận chuyển dầu mỏ Iran. Đây là bước leo thang mới nhất trong chiến lược siết chặt vòng vây tài chính nhằm vào Tehran, trong bối cảnh nước này vẫn chịu nhiều biện pháp hạn chế liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Ngoài lĩnh vực dầu mỏ, Washington đồng thời công bố lệnh trừng phạt đối với một số chỉ huy cấp cao và một thực thể tài chính liên quan đến Hezbollah – tổ chức được Mỹ liệt kê là nhóm khủng bố hoạt động tại Lebanon. Cụ thể, tổ chức Al-Qard Al-Hassan bị cáo buộc vận hành một mạng lưới tài chính nhằm hỗ trợ hoạt động của Hezbollah tại khu vực Trung Đông.

Tín hiệu khởi động lại đàm phán hạt nhân

Song song với các biện pháp trừng phạt, giới chức Mỹ cũng có động thái chuẩn bị cho khả năng đàm phán trực tiếp với Iran. Trang Axios dẫn hai nguồn tin tiết lộ rằng đặc phái viên Nhà Trắng Steve Witkoff dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tại Oslo, Na Uy trong tuần tới.

Đây sẽ là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công quân sự nhằm vào cơ sở hạt nhân Iran hồi tháng trước. Mặc dù chưa quốc gia nào xác nhận chính thức, nguồn tin của Axios cho biết hai bên đã duy trì liên lạc trực tiếp kể từ sau cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran, kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Mỹ, Oman và Qatar làm trung gian.

Về thời điểm đàm phán, một viên chức Nhà Trắng cho biết “chưa có thông báo chính thức”, trong khi phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc từ chối bình luận. Nếu diễn ra, cuộc gặp sẽ đánh dấu nỗ lực ngoại giao quan trọng nhằm giảm căng thẳng sau hàng loạt vụ tấn công, đáp trả quân sự và các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Kho uranium làm giàu cao và rủi ro leo thang

Một trong những vấn đề được dự đoán sẽ là trọng tâm của bất kỳ cuộc đàm phán nào là kho dự trữ uranium làm giàu cao của Iran. Theo đánh giá của các quan chức Mỹ và Israel, Iran hiện sở hữu khoảng 400 kg uranium làm giàu đến mức độ 60% – chỉ cần thêm một bước kỹ thuật là đủ để đạt cấp độ vũ khí hạt nhân.

Số vật liệu này đang được cất giữ tại ba cơ sở hạt nhân lớn gồm Natanz, Fordow và Isfahan – các địa điểm đã bị không kích trong đợt tấn công quân sự mới đây. Theo nguồn tin an ninh, các kho uranium hiện “bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài” do thiệt hại cơ sở hạ tầng, song Iran có thể khôi phục quyền tiếp cận sau khi dọn dẹp đống đổ nát.

Cơ sở hạt nhân của Iran
3 cơ sở hạt nhân của Iran

Giới phân tích cảnh báo, nếu Tehran khôi phục hoạt động làm giàu và tăng tốc chương trình hạt nhân, nguy cơ leo thang căng thẳng và đối đầu quân sự sẽ trở lại. Trong khi đó, các bên trung gian như Oman và Qatar được cho là vẫn đóng vai trò kết nối để duy trì kênh đối thoại, nhằm tránh kịch bản đổ vỡ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân.

Tuấn Anh