Ngoài đường sắt cao tốc Bắc- Nam, đây cũng là một dự án đường sắt mà nhiều "ông lớn" muốn tham gia
Nhiều tập đoàn lớn đã đề xuất xây dựng dự án đường sắt tại địa phương này với tổng vốn đầu tư hàng tỉ USD.
Sự chuyển động mạnh mẽ trong đầu tư đường sắt đô thị
Trong nhiều năm, các dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM được đánh giá là lĩnh vực hạ tầng kén nhà đầu tư, chủ yếu vì vốn đầu tư ban đầu rất lớn, thời gian hoàn vốn dài, quy trình thủ tục phức tạp và rủi ro cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, loạt tập đoàn tư nhân lớn đã đồng loạt gửi văn bản đề xuất được tham gia nghiên cứu, đầu tư nhiều tuyến metro quan trọng, cho thấy bức tranh mới về sức hút của lĩnh vực này.

Mở đầu xu hướng, Tập đoàn Sun Group đã đề xuất đầu tư tuyến đường sắt ven sông Sài Gòn theo hình thức metro hoặc tramway. Cụ thể, Sun Group mong muốn phát triển tuyến giao thông công cộng chạy dọc bờ sông Sài Gòn qua huyện Củ Chi cũ, đồng thời kết hợp với dự án đường bộ quy mô từ 8–10 làn xe dài khoảng 40 km.
Trước đó, Sun Group từng đề xuất dự án đường ven sông dài hơn 78 km từ Củ Chi đến Cần Giờ, tích hợp tuyến đường sắt nhẹ gần 100 km kết nối thẳng tới Tây Ninh. Hai dự án này được đề xuất thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), với phương án đối ứng bằng quỹ đất ven sông diện tích khoảng 4.100 ha.
Không dừng lại ở đó, UBND TP.HCM cũng đang tiếp nhận đề xuất đầu tư tuyến metro số 2 (đoạn Bến Thành – Tham Lương) và tuyến đường sắt Bến Thành – Thủ Thiêm – Long Thành của Tập đoàn Trường Hải (THACO). Tổng vốn của hai dự án dự kiến hơn 5,4 tỉ USD.
Doanh nghiệp tư nhân dồn dập tham gia
Ngoài Sun Group và THACO, liên danh Tập đoàn Đại Dũng, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Tập đoàn Hòa Phát (gọi tắt là liên danh DCH) cũng gửi đề xuất nghiên cứu triển khai đầu tư ba tuyến đường sắt đô thị gồm: metro số 2, tuyến Bến Thành – Thủ Thiêm – Long Thành, và tuyến TP mới Bình Dương – Suối Tiên. Liên danh này bày tỏ mong muốn trở thành tổng thầu EPC để thiết kế, thi công và cung cấp thiết bị cho các dự án.
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico cũng đã đề nghị được nghiên cứu đầu tư tuyến metro số 4 Đông Thạnh (Hóc Môn) – khu đô thị Hiệp Phước. Đại diện Sovico cho biết sẽ thành lập pháp nhân mới, phối hợp các chuyên gia nước ngoài về tài chính, quy hoạch và hạ tầng để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP.HCM.
Trước đó, Vingroup từng công bố dự án đường sắt đô thị trị giá hơn 4 tỉ USD kết nối trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ. Với nhiều dự án được đề xuất liên tiếp, TP.HCM hiện là địa phương có nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm nhất trong lĩnh vực metro.
Đáng chú ý, Vingroup đang cùng với THACO cạnh tranh cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với vốn đầu tư hơn 60 tỷ USD.
Cơ chế chính sách mới tạo cú hích đầu tư đường sắt đô thị
Theo các chuyên gia, sự thay đổi này xuất phát từ nhiều yếu tố. PGS-TS Vũ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức nhận định, trước đây dự án đường sắt đô thị thường thất bại do thủ tục phức tạp, vốn lớn và rủi ro vận hành. Ví dụ, dự án Hopewell tại Bangkok trở thành phế tích sau 7 năm triển khai, buộc Chính phủ Thái Lan mua lại với chi phí khổng lồ.
Tuy nhiên, Việt Nam đã có những thay đổi chính sách đáng kể. Đầu tiên, Luật Đường sắt sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, bổ sung hàng loạt cơ chế mới như phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, rút ngắn thời gian thẩm định, khuyến khích đầu tư tư nhân bằng vốn ngoài ngân sách.
Đặc biệt, luật mới cho phép Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư – một trong những trở ngại lớn nhất trước đây.
Một điểm nhấn quan trọng là cơ chế TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), tạo điều kiện khai thác quỹ đất và giá trị gia tăng từ vùng phụ cận các nhà ga metro. Mô hình TOD đã chứng minh hiệu quả ở nhiều quốc gia, giúp hình thành các khu đô thị mật độ cao xung quanh nhà ga, vừa tạo nguồn thu bền vững, vừa tăng hiệu quả sử dụng đất.
Với riêng TP.HCM, Nghị quyết 188 về cơ chế đặc thù cho thành phố tiếp tục mở thêm không gian chính sách, tháo gỡ nhiều nút thắt về quy hoạch và tài chính.
Theo PGS-TS Vũ Anh Tuấn, việc các tập đoàn lớn đồng loạt đề xuất là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để hiện thực hóa, TP.HCM cần nhanh chóng ban hành hướng dẫn cụ thể về khai thác quỹ đất, chia sẻ lợi ích từ TOD và cơ chế hỗ trợ tài chính minh bạch.