Nhịp sống số

FaceTime trên iPhone sẽ bị ngắt nếu có những hành vi nhạy cảm

Ngọc Linh 04/07/2025 05:01

iOS 26 bổ sung tính năng FaceTime tự động đóng băng video và âm thanh khi phát hiện có người bắt đầu có hành vi nhạy cảm trong cuộc gọi.

Apple mở rộng Communication Safety sang FaceTime

iOS 26 đang là một trong những bản cập nhật đáng chú ý nhất của Apple dành cho iPhone, với nhiều cải tiến về thiết kế và tính năng. Bên cạnh giao diện Liquid Glass mới, các ứng dụng như Messages, Wallet, CarPlay đã được nâng cấp mạnh mẽ. Tuy nhiên, một tính năng chưa được công bố rộng rãi lại đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng người dùng FaceTime.

facetime.jpg
FaceTime trên iOS 26 sẽ quét hình ảnh khi bạn sử dụng

Theo thông tin từ tài khoản iDeviceHelp trên nền tảng X, bản beta của iOS 26 bổ sung khả năng tự động tạm dừng video và âm thanh trong cuộc gọi FaceTime nếu hệ thống phát hiện có người bắt đầu cởi bỏ trang phục. Cụ thể, tính năng này hoạt động dựa trên Communication Safety, công cụ mà Apple đã giới thiệu từ trước với mục đích bảo vệ trẻ em khỏi các nội dung khiêu dâm hoặc hình ảnh nhạy cảm.

Khi phát hiện tín hiệu hình ảnh không phù hợp, FaceTime sẽ đóng băng hình và tiếng ngay lập tức, đồng thời hiển thị một thông báo cảnh báo cho người dùng. Người dùng có thể chọn tiếp tục cuộc gọi hoặc kết thúc. Tính năng này được thiết kế nhằm hạn chế nguy cơ phát tán hình ảnh nhạy cảm trong môi trường trò chuyện video trực tuyến.

Tính năng ban đầu dành cho trẻ em, nhưng mở rộng sang người lớn

Trong buổi ra mắt iOS 26, Apple từng nhấn mạnh Communication Safety là một phần trong các công cụ kiểm soát nội dung dành cho tài khoản trẻ em và thanh thiếu niên. Theo giải thích chính thức, hệ thống sử dụng công nghệ máy học (machine learning) ngay trên thiết bị, không gửi dữ liệu về máy chủ Apple. Nhờ vậy, các nội dung riêng tư của người dùng được đảm bảo không bị chia sẻ hoặc lưu trữ bên ngoài thiết bị.

Tuy nhiên, điều gây bất ngờ là trong bản beta, tính năng này dường như áp dụng mặc định cho tất cả cuộc gọi FaceTime, bất kể độ tuổi người dùng. Hiện chưa có khẳng định chính thức liệu đây là chủ trương cố ý hay chỉ là lỗi tạm thời trong quá trình thử nghiệm phần mềm.

Một số người dùng nhận định, nếu Apple duy trì cơ chế này khi phát hành chính thức iOS 26, họ có thể gặp sự bất tiện không mong muốn, đặc biệt trong bối cảnh FaceTime được dùng cho nhiều mục đích cá nhân khác nhau, bao gồm họp trực tuyến hoặc liên lạc gia đình.

Lo ngại về quyền riêng tư và phản ứng của cộng đồng

Ngay khi thông tin xuất hiện, tranh luận đã nổ ra trên nhiều diễn đàn công nghệ. Một bộ phận người dùng đồng tình rằng việc bảo vệ trẻ em và hạn chế nội dung không phù hợp là cần thiết. Tuy nhiên, số khác bày tỏ lo ngại về việc hệ thống can thiệp vào các cuộc gọi FaceTime giữa người lớn với nhau.

Nhiều chuyên gia bảo mật cho rằng, dù Apple khẳng định mọi quá trình phân tích ảnh và video diễn ra hoàn toàn trên thiết bị, việc quét nội dung cá nhân theo thời gian thực vẫn là một bước đi nhạy cảm. Về mặt kỹ thuật, giải pháp này đòi hỏi quyền truy cập camera và dữ liệu hình ảnh trong suốt cuộc gọi – điều vốn được coi là quyền riêng tư bất khả xâm phạm.

Apple từng nhiều lần khẳng định hãng không có quyền xem nội dung video call và không thu thập dữ liệu người dùng. Tuy vậy, cơ chế tự động phân tích nội dung vẫn làm dấy lên câu hỏi: Trong trường hợp hệ thống nhận diện sai, ai sẽ chịu trách nhiệm về sự gián đoạn hoặc ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng?

Hiện chưa rõ khi nào Apple sẽ làm rõ các điều khoản triển khai Communication Safety trên FaceTime. Giới quan sát dự đoán nhiều khả năng công ty sẽ công bố chi tiết hơn trước khi phát hành chính thức iOS 26 vào cuối năm nay.

Ngọc Linh