Kiến thức

Từ kỳ tích ở Uzbekistan, nhà thầu Trung Quốc muốn “bắt tay” với Việt Nam: Sẽ có đường sắt cao tốc lịch sử?

Thu Sa 03/07/2025 19:55

Dự án đường sắt cao tốc của Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Trong chuyến công tác tại Trung Quốc cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với ông Trần Văn Kiện – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC). Đại diện CREC bày tỏ mong muốn được tham gia các dự án đầu tư phát triển đường sắt và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Đáng chú ý, đây chính là tập đoàn từng ghi dấu ấn với một kỳ tích 50 năm tại Uzbekistan.

Fergana của Uzbekistan
Fergana là khu vực hiểm trở tại Uzbekistan, gần như bị cô lập địa lý

Giấc mơ xuyên núi bị chặn đứng suốt 50 năm

Giữa lòng Trung Á khô cằn và hiểm trở, vùng đất lưu vực Fergana ở phía Đông Uzbekistan nổi bật như một ốc đảo màu mỡ. Đây không chỉ là cái nôi nông nghiệp quan trọng, mà còn là nơi sinh sống của hơn 10 triệu người, tương đương một phần ba dân số quốc gia. Dù chỉ cách thủ đô Tashkent khoảng 400km đường chim bay, nhưng suốt hàng chục năm qua, khu vực này gần như bị cô lập địa lý do bị chắn bởi dãy núi cao hiểm trở Qamchiq.

Không có đường hầm, người dân Fergana buộc phải đi đường vòng qua nước láng giềng Tajikistan, hoặc băng qua con đường đèo cheo leo ở độ cao hơn 2.000 mét – vốn rất nguy hiểm và thường xuyên bị tuyết phủ kín vào mùa đông. “Chúng tôi chỉ mong có một con đường thuận tiện, an toàn để kết nối với phần còn lại của đất nước,” ông Bahram – một người dân – chia sẻ.

Sau hơn 50 năm chỉ dừng lại ở những bản vẽ và hy vọng, năm 2013, chính phủ Uzbekistan đã quyết định bắt tay thực hiện giấc mơ xuyên núi. Mục tiêu là xây dựng một đường hầm dài gần 20km xuyên qua dãy Qamchiq – công trình được đánh giá là bất khả thi với điều kiện địa hình và thời gian thi công giới hạn chỉ 3 năm. Uzbekistan đã tìm đến các đối tác phương Tây, song các nhà thầu từ Tây Ban Nha, Anh đều từ chối với lý do “không đủ thời gian”.

Bước ngoặt chỉ đến khi Uzbekistan quay sang Trung Quốc và ký hợp đồng với Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) – đơn vị giàu kinh nghiệm thi công hạ tầng ở địa hình phức tạp. Ngày 5/9/2013, dự án Đường hầm Qamchiq chính thức khởi công, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử giao thông quốc gia.

Biến thách thức thành kỳ tích

Ngay khi công trình bước vào giai đoạn khoan đào, nhóm kỹ sư Trung Quốc đối mặt với thách thức chưa từng có: hiện tượng đá nổ tự nhiên. Đây là hiện tượng khi lớp đá dưới lòng núi bị nén quá mức, phun trào và phát nổ bất ngờ, gây nguy hiểm tương đương với hàng trăm quả bom ngầm. Kỹ sư Chu Hiệu Quang, người phụ trách dự án từ phía Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi lường trước có thể gặp đá nổ, nhưng không ngờ lại nghiêm trọng đến vậy.”

đường sắt xuyên núi
Đường hầm Qamchiq tại Uzbekistan dài nhất Trung Á

Buộc phải dừng thi công để đảm bảo an toàn, đội ngũ kỹ sư và nhà thầu đã thành lập nhóm nghiên cứu chung, phối hợp chặt chẽ giữa thiết kế và thi công. Họ tiến hành khảo sát địa tầng liên tục, xây dựng mô hình mô phỏng đá nổ, phân tích theo thời gian thực để đưa ra các giải pháp khoan cắt chính xác, giảm áp lực trong lòng núi. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại, công trình được tái khởi động chỉ sau vài tháng gián đoạn.

Suốt gần 3 năm thi công, hàng nghìn kỹ sư, công nhân Uzbekistan và Trung Quốc đã làm việc bất kể ngày đêm trong điều kiện khắc nghiệt. Và đến ngày 22/6/2016, chuyến tàu đầu tiên chính thức đi qua Đường hầm Qamchiq, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao hai nước. Đường hầm dài gần 20km – dài nhất Trung Á – chính thức được ghi danh vào lịch sử.

Theo Báo Chính phủ, ngày 24/6 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại TP Thiên Tân (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo 3 tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc về đường sắt, hạ tầng giao thông để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.

đường sắt cao tốc bắc nam việt nam
Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam nhận được quan tâm của các doanh nghiệp hàng đầu

Trong đó có ông Trần Văn Kiện – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC). Các tập đoàn này đều bày tỏ mong muốn được tham gia vào các dự án đầu tư phát triển đường sắt và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các tập đoàn quan tâm và có kế hoạch đầu tư, kinh doanh, mở rộng hoạt động tại Việt Nam, nhất là trong phát triển hệ thống giao thông đường sắt.

Thủ tướng khẳng định chủ trương của Việt Nam về phát triển ngành công nghiệp đường sắt, tự chủ về công nghệ; đồng thời cho biết Việt Nam có nhu cầu rất lớn trong phát triển đường sắt với các tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM, cũng như các lĩnh vực hạ tầng giao thông khác như đường bộ, cảng biển, hàng không, giao thông đô thị...

Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) là một trong những nhà thầu công trình xây dựng lớn trên thế giới, 18 năm liên tiếp có tên trong bảng xếp hạng Fortune Global 500, xếp hạng thứ 39 trong Fortune Global 500 năm 2023. Các tuyến đường sắt mà Công ty tham gia xây dựng chiếm hơn 2/3 tổng số lý trình đường sắt của Trung Quốc.

Hiện CREC có khoảng 290.000 nhân viên, trong đó có hơn 85.000 nhân viên kỹ thuật trung cấp và cao cấp. Tại Việt Nam, CREC đã trúng thầu nhiều dự án lớn trong lĩnh vực đóng tàu, đường sắt, điện gió… với tổng giá trị khoảng 1 tỷ USD.

Thu Sa