Chuyển động

Lên sóng đài quốc gia, ông lớn làng thầu xây dựng cam kết gánh việc nặng tại dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam

Nguyên Nam 03/07/2025 17:05

Ông lớn làng thầu này tự tin doanh nghiệp Việt có thể làm 70% hạ tầng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, sẵn sàng "vào việc" từ nền móng tới hầm, cầu cạn.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 67 tỷ USD đang dần thành hình khi Quốc hội đã thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi), mở đường cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước tham gia. Không chỉ Vingroup, THACO hay liên danh Mekolor–Great USA bày tỏ mong muốn đầu tư, các doanh nghiệp hạ tầng cũng đang chủ động chuẩn bị lực lượng và công nghệ để góp mặt vào công trình thế kỷ này.

duongsatcaotoc37.png
Chủ tịch FECON cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đảm nhiệm tới 70% khối lượng dự án

Một trong những đơn vị tiên phong là Công ty CP Fecon (HoSE: FCN). Phát biểu trong chương trình "Thương hiệu Quốc gia Việt Nam" phát sóng trên VTV1, ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch HĐQT FECON đã thể hiện sự kỳ vọng lớn vào dự án đường sắt tốc độ cao, đồng thời khẳng định năng lực của doanh nghiệp Việt trong vai trò nhà thầu.

Theo ông Khoa, dự án không chỉ mang ý nghĩa kinh tế – xã hội sâu rộng mà còn mở ra một chuỗi cơ hội việc làm, từ đơn vị thi công hạ tầng, nhà cung cấp vật liệu, thiết bị cho tới sản xuất đầu máy, toa xe. Với một thị trường quy mô lớn, trải dài từ Bắc tới Nam, đường sắt tốc độ cao sẽ là động lực quan trọng trong việc kích cầu nền kinh tế và nâng tầm năng lực thi công của doanh nghiệp nội địa.

Điều đáng chú ý, người đứng đầu FECON cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể đảm nhiệm tới 70% khối lượng dự án, đặc biệt là các phần từ nền móng, ray, hầm đến cầu cạn – những hạng mục có kỹ thuật tương đồng với các dự án hạ tầng lớn đang được triển khai trên cả nước. Tuy nhiên, với những cấu phần mang tính công nghệ cao như điều khiển, đầu máy, toa xe, hệ thống vận hành... thì vẫn cần thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật.

“Chúng tôi đã chuẩn bị từ rất sớm. Từ năm 2017, FECON bắt đầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Đức, Ý trong lĩnh vực xử lý nền móng, tường vây, chống thấm và đào hầm đô thị. Đây đều là những công nghệ then chốt có thể áp dụng trực tiếp vào thi công đường sắt tốc độ cao”, ông Khoa chia sẻ.

phamvietkhoa.png
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch CTCP FECON (FCN)

Với thế mạnh trong xử lý nền đất yếu, móng sâu và thi công hầm – vốn là những cấu phần đặc thù và quan trọng trong đường sắt cao tốc – FECON tin rằng mình có thể tham gia sâu, góp phần tạo ra giá trị thực sự cho dự án. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào đào tạo nhân lực kỹ thuật cao và hiện đại hóa mô hình vận hành, hướng tới chuẩn mực quốc tế.

Ông Khoa đồng thời đánh giá cao Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị khi xác định rõ vai trò tiên phong của khu vực tư nhân trong đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng chiến lược. Ông xem dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là biểu tượng của tư duy đột phá, đồng thời là phép thử lớn cho năng lực nội tại của doanh nghiệp Việt Nam.

Dẫu vậy, ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng phần lớn doanh nghiệp xây dựng hiện nay vẫn thiếu hụt về tài chính, nguồn lực và kinh nghiệm quản trị. Để góp mặt thực chất trong công trình thế kỷ này, doanh nghiệp cần chủ động hoàn thiện hệ sinh thái, liên kết với đối tác nước ngoài và có chiến lược đầu tư bài bản dài hạn.

Nhiều nhà thầu nội địa sẵn sàng góp sức

Không chỉ FECON, hàng loạt doanh nghiệp lớn khác trong ngành xây dựng và hạ tầng cũng đã công bố kế hoạch tham gia dự án đường sắt tốc độ cao.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons công bố mục tiêu phát triển hạ tầng trọng điểm, thành lập tổ chuyên gia và xúc tiến học hỏi kinh nghiệm quốc tế, định hướng đường sắt cao tốc là phân khúc ưu tiên.

Tập đoàn Đèo Cả – đơn vị đã thành danh trong lĩnh vực hầm xuyên núi và đường cao tốc – đang mở rộng đầu tư vào các dự án metro, sân bay và đường sắt tốc độ cao. Doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu tăng vốn và thiết lập mạng lưới hợp tác quốc tế để chuẩn hóa công nghệ thi công.

Trong khi đó, Công ty CP Lizen (HoSE: LCG) cũng khẳng định đủ năng lực thi công phần lớn các cấu phần kỹ thuật và kỳ vọng được chỉ định thầu, góp phần vào công trình trọng điểm quốc gia này. Nền tảng tài chính của Lizen được đánh giá khá lành mạnh, với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức an toàn.

Việc các doanh nghiệp nội địa chủ động tham gia dự án 67 tỷ USD là tín hiệu tích cực, không chỉ giúp tối ưu chi phí, tăng tính làm chủ công nghệ mà còn thể hiện sự trưởng thành của ngành hạ tầng Việt Nam. Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh hợp tác công – tư và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các công trình chiến lược, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang dần trở thành tâm điểm thu hút dòng vốn và nguồn lực trong nước.

Nguyên Nam