Chính sách - Đầu tư

Sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ thống đường sắt đô thị ở TP. HCM mới sẽ có chiều dài "khủng" như đi hết một nửa đất nước

Tuấn Anh 03/07/2025 17:00

Sau sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM sẽ hình thành mạng lưới đường sắt đô thị cực lớn.

Quy hoạch đường sắt mở rộng quy mô chưa từng có

Sau khi chính thức sáp nhập hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. HCM sẽ trở thành đô thị đặc biệt mở rộng cả về không gian địa lý lẫn quy mô dân số, nhu cầu giao thông công cộng. Trong bối cảnh đó, phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) được xác định là giải pháp chiến lược để giải quyết bài toán ùn tắc, kết nối vùng và tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế – xã hội.

Đường sắt đô thị ở TP HCM
Đường sắt đô thị là dự án cần được mở rộng sớm ở TP. HCM khi nhìn vào hạ tầng, dân số và nền kinh tế

Theo Phòng Quản lý ĐSĐT Sở Xây dựng TP. HCM, trước sáp nhập, TP đã quy hoạch 12 tuyến ĐSĐT với tổng chiều dài hơn 558 km và một tuyến LRT/tramvay dài gần 49 km. Riêng Bình Dương có 12 tuyến với hơn 335 km, còn Bà Rịa – Vũng Tàu có ba tuyến khoảng 125 km. Sau sáp nhập, tổng chiều dài mạng lưới đường sắt đô thị dự kiến đạt gần 1.000 km, trong đó hơn 480 km sẽ được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2025–2035 nếu các dự án bổ sung được phê duyệt.

Cụ thể, ngoài bảy tuyến ưu tiên theo Nghị quyết 188, TP. HCM sẽ nghiên cứu triển khai ba tuyến quan trọng: tuyến metro số 1 nối dài về Bình Dương, tuyến Thủ Thiêm – Long Thành và tuyến từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ. Các tuyến này không chỉ tăng cường kết nối nội vùng mà còn mở ra khả năng liên thông đồng bộ giữa trung tâm TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hạ tầng kết nối vùng và mục tiêu giảm ùn tắc

Theo đại diện Sở Xây dựng, mục tiêu ưu tiên trong 10 năm tới là hình thành ba trục “xương sống” chính:

  • Tuyến metro số 2 kéo dài từ Củ Chi qua trung tâm đến Thủ Thiêm.
  • Tuyến metro số 1 kết nối Bình Dương và kéo dài về Bình Chánh.
  • Tuyến metro số 3 nối Bình Dương – Long An (cũ).

Ngoài ra, các tuyến vành đai như tuyến số 6 (vành đai trong) và tuyến số 7 (vành đai ngoài) sẽ tạo thành mạng lưới liên hoàn, cho phép người dân di chuyển linh hoạt theo mọi hướng mà không phải qua trung tâm. Việc bổ sung các trục dọc bắc – nam như tuyến số 4 và tuyến số 5 sẽ hoàn thiện hệ thống.

Bản đồ các tuyến metro ở TP. HCM
Bản đồ các tuyến metro ở TP. HCM

Tuyến Thủ Thiêm – Long Thành, dài gần 44 km, cũng được đánh giá có vai trò đặc biệt khi kết nối trực tiếp hai cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành. Đây là tuyến vận tải chiến lược giúp giải tỏa áp lực giao thông đường bộ trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Đối với tuyến từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ dài gần 49 km, phương án quy hoạch sẽ bổ sung hướng kết nối qua vịnh Ghềnh Rái đến Vũng Tàu, hình thành trục ven biển mới.

Cơ chế đặc thù và tiến độ triển khai

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, nhiều cơ chế mới đã được ban hành. Nghị quyết 188 của Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong đầu tư, quản lý dự án. Nghị định 123 và Nghị định 144/2025 quy định về phân quyền, phân cấp mạnh hơn, giảm bớt thủ tục thẩm định dự toán, phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư.

TP. HCM cũng đang ưu tiên khởi công tuyến metro số 2 đoạn Bến Thành – Tham Lương ngay trong năm 2025. Sau đó, tuyến sẽ được kéo dài ra hai đầu, phía bắc đến Củ Chi, phía đông qua Thủ Thiêm. Ban Chỉ đạo phát triển ĐSĐT yêu cầu các đơn vị chuẩn bị hồ sơ, bố trí vốn trung hạn, đẩy nhanh thủ tục chỉ định thầu tư vấn, đảm bảo công khai, minh bạch.

Ngoài ra, việc nhiều doanh nghiệp tư nhân quan tâm đầu tư vào hệ thống đường sắt đang mở ra nguồn lực mới. Luật Đường sắt sửa đổi, vừa được Quốc hội thông qua, cho phép đa dạng hình thức đầu tư và xã hội hóa mạnh mẽ hơn. Các cơ chế miễn thuế ODA, linh hoạt hợp đồng giá điều chỉnh, trao quyền cho kỹ sư tư vấn cũng được kỳ vọng tháo gỡ những nút thắt kéo dài nhiều năm.

Tuấn Anh