Ngay sau sáp nhập, Thanh Hóa tăng tốc hỗ trợ người dân, lọt top 4 cả nước về chỉ tiêu này
Ngày đầu tiên sáp nhập, Thanh Hóa đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến và bố trí nhiều điểm cấp căn cước công dân, định danh điện tử.
Vận hành thông suốt mô hình chính quyền 2 cấp
Ngày 1/7/2025 đánh dấu thời điểm tỉnh Thanh Hóa chính thức thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sau khi hoàn tất các thủ tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 1686/NQ-UBTVQH15.
Theo thống kê từ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trong ngày đầu tiên vận hành mô hình mới, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.095 hồ sơ thủ tục hành chính, đứng thứ 4 cả nước về số lượng hồ sơ phát sinh trong ngày. Trong đó, 1.050 hồ sơ được nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, chỉ 45 hồ sơ nộp trực tiếp.

Tại cấp xã, các Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp nhận 339 hồ sơ (24 hồ sơ trực tiếp, 315 hồ sơ trực tuyến). Số còn lại được tiếp nhận tại Trung tâm cấp tỉnh. Để bảo đảm quy trình vận hành thông suốt, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã chủ động tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức tại 166 xã, phường mới, đồng thời xây dựng tài liệu, video hướng dẫn xử lý hồ sơ.
Trung tâm cũng hỗ trợ các địa phương bố trí trụ sở, nhận diện thương hiệu, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị như máy scan, KIOSK xếp hàng tự động, camera giám sát… Việc chuẩn bị kỹ lưỡng giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công ngay từ ngày đầu chuyển đổi mô hình chính quyền.
Tăng tốc cấp căn cước và định danh điện tử sau sáp nhập
Cùng với hoạt động giải quyết thủ tục hành chính, công tác cấp Căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử cũng được Công an tỉnh Thanh Hóa đồng loạt triển khai. Trước đó, từ ngày 15/6 đến hết ngày 30/6/2025, công tác tiếp nhận hồ sơ căn cước tạm dừng để phục vụ việc sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp của Chính phủ.

Từ ngày 1/7/2025, 28 trạm thu nhận cố định đã được kích hoạt tại trụ sở Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố và nhiều xã, phường quan trọng. Ngoài ra, 32 đơn vị Công an cấp xã được giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý hồ sơ định danh điện tử cho công dân.
Danh sách điểm thu nhận hồ sơ trải dài khắp các địa bàn, bao gồm trung tâm thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, các huyện miền núi như Mường Lát, Quan Sơn, Như Xuân… Bố trí này bảo đảm người dân vùng sâu, vùng xa sau sáp nhập không gặp trở ngại về khoảng cách địa lý khi thực hiện thủ tục cấp căn cước hoặc định danh điện tử.
Đại diện Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc tái tổ chức bộ máy hành chính, đồng bộ dữ liệu quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bước chuẩn bị quan trọng để thực hiện tốt các dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi toàn tỉnh.
Hướng đến nền hành chính công khai, minh bạch và hiện đại
Trước khi chính thức “chuyển sàn” lên Cổng dịch vụ công quốc gia, ngày 27/6/2025, tỉnh Thanh Hóa đã đóng giao diện Cổng Dịch vụ công tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.thanhhoa.gov.vn. Từ 1/7/2025, toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được vận hành trên nền tảng duy nhất của quốc gia tại https://dichvucong.gov.vn.
Đây là bước thay đổi quan trọng nhằm tạo thuận lợi cho công dân, doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm đồng bộ dữ liệu, quy trình, bảo mật và giám sát trong môi trường điện tử. Việc sáp nhập địa giới hành chính kéo theo yêu cầu cập nhật thông tin địa bàn, điều chỉnh dữ liệu hồ sơ quản lý dân cư, đất đai, hộ tịch.
Để đáp ứng tiến độ và khối lượng công việc lớn, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tập trung nguồn lực, phân công cán bộ trực hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục phát sinh.
Ngoài thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, y tế, giáo dục, việc cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong quý III/2025. Đây cũng là yếu tố quan trọng để người dân có thể thực hiện dịch vụ công không giấy tờ, giao dịch điện tử liên thông trên phạm vi toàn quốc.