Mô hình mới

Gian nan không làm chùn bước, nông dân Lào Cai kiên nhẫn tạo ra món đặc sản riêng, nay tạo thu nhập ổn định hàng trăm triệu mỗi năm

Ngọc Linh 03/07/2025 6:00

Mô hình mới này đang mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2–3 lần, giúp nông dân nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường và cung cấp thực phẩm an toàn.

Người nông dân và mô hình trồng rau bí xanh theo hướng hữu cơ

Tại khu sản xuất của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp ở Bát Xát, tỉnh Lào Cai, những luống rau bí xanh đang vào vụ thu hoạch chính. Đây là mô hình sản xuất theo quy trình hoàn toàn hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu hay hóa chất tổng hợp từ khâu xử lý đất, bón phân cho đến chăm sóc và thu hoạch.

Rau bí hữu cơ đang vào chính vụ thu hoạch
Rau bí hữu cơ đang vào chính vụ thu hoạch (Ảnh: Báo Lào Cai)

Chị Bùi Thị Xuân, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, cho biết phương pháp canh tác này sử dụng phân gà đã xử lý thay cho phân hóa học, đồng thời yêu cầu người nông dân thường xuyên theo dõi sát sao tình trạng sinh trưởng của cây trồng. Dù mất nhiều công chăm sóc hơn so với phương pháp truyền thống, đổi lại sản phẩm rau có độ mềm, ngọt, tươi lâu và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mô hình được triển khai trên diện tích 3 ha đất, kết hợp trồng rau lấy ngọn và rau cho quả. Sau khoảng 2 tháng trồng, rau bắt đầu thu hoạch ngọn và kéo dài khoảng 1,5 đến 2 tháng. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm cung cấp ra thị trường 150 - 160 mớ rau với giá bán từ 8.000 - 10.000 đồng/mớ. Rau bí quả cũng được thu mua ổn định ở mức 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Rau bí trồng hữu cơ có màu xanh mướt, ăn mềm, vị ngọt nhẹ
Rau bí trồng hữu cơ có màu xanh mướt, ăn mềm, vị ngọt nhẹ (Ảnh: Báo Lào Cai)

Nhờ kênh tiêu thụ thông qua hệ thống cửa hàng nông sản sạch và các nền tảng trực tuyến, sản phẩm rau hữu cơ đã tránh được tình trạng “được mùa mất giá” thường gặp. Hiệu quả kinh tế từ mô hình này ước đạt 100 - 120 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng cây ngô truyền thống.

Nâng cao giá trị nông sản và cải thiện sinh kế nông dân

Không chỉ mang lại lợi nhuận cao, mô hình sản xuất rau hữu cơ còn tạo ra hướng đi mới cho nông dân địa phương. Thay vì chạy theo sản lượng, phương pháp này chú trọng vào chất lượng, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.

Theo ông Vũ Văn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bát Xát, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã như Quang Kim, Mường Hum, Bản Qua để lựa chọn các hộ dân có điều kiện đất đai phù hợp, mong muốn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ tham quan và học hỏi kinh nghiệm. Trung tâm bố trí cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn quy trình canh tác từ chuẩn bị đất, gieo trồng, bón phân đến thu hoạch và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Chị Trần Lan Anh, nhân viên văn phòng tại thành phố Lào Cai, là khách hàng thường xuyên mua rau qua mạng xã hội, chia sẻ: “Lúc đầu tôi cùng đồng nghiệp chỉ mua thử vài bó rau bí, thấy ăn ngon, mềm và vị ngọt khác hẳn rau ngoài chợ. Từ đó chúng tôi đặt đều đặn hàng tuần qua kênh bán hàng trực tuyến”.

Việc kết hợp bán hàng online không chỉ góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về thực phẩm sạch, an toàn. Đây cũng là xu hướng được nhiều địa phương quan tâm trong thời gian gần đây.

Định hướng mở rộng mô hình và xây dựng thương hiệu rau hữu cơ

Từ kết quả tích cực ban đầu, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bát Xát đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất. Ngoài việc tăng diện tích trồng rau bí xanh, Trung tâm còn dự kiến thử nghiệm và đưa vào sản xuất thêm các loại rau hữu cơ như cải ngồng, cải nương, xà lách, đậu cô ve, bắp cải.

Quả bí cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch
Quả bí cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch (Ảnh: Báo Lào Cai)

Ông Vũ Văn Sơn cho biết, mục tiêu là hình thành vùng sản xuất rau hữu cơ quy mô nhỏ nhưng ổn định, gắn với chuỗi tiêu thụ và tiến tới xây dựng thương hiệu riêng. Đây không chỉ là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo đầu ra ổn định cho nông dân, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và cải thiện môi trường canh tác.

Việc đa dạng hóa cây trồng hữu cơ sẽ tận dụng lợi thế khí hậu và đất đai vùng cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường về thực phẩm sạch ngày càng tăng. Mô hình này được chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đánh giá cao về tính khả thi và hiệu quả bền vững.

Trong thời gian tới, nếu được nhân rộng và hỗ trợ đồng bộ, mô hình rau hữu cơ tại Bát Xát có tiềm năng trở thành hướng phát triển quan trọng, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa góp phần xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Ngọc Linh