Đất & Người

Sau sáp nhập, đây là tỉnh duy nhất Việt Nam sở hữu tới 3 đặc khu

Thu Sa 02/07/2025 20:21

Ba đặc khu này không chỉ góp phần phát triển kinh tế biển mà còn bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy chiến lược biển đảo quốc gia.

Tỉnh An Giang mới có 3 đặc khu hành chính

Theo Nghị quyết mới về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, sau khi sáp nhập Kiên Giang và An Giang, tỉnh An Giang mới chính thức sở hữu 102 đơn vị hành chính, trong đó đặc biệt có 3 đặc khu cấp địa phương: Thổ Châu, Kiên Hải và Phú Quốc – một cấu trúc hành chính độc đáo nhất cả nước hiện nay.

đặc khu thổ châu an giang
Đặc khu Thổ Châu, tỉnh An Giang mới nhìn từ trên cao

Đặc khu Thổ Châu, được thành lập từ xã Thổ Châu (thuộc TP. Phú Quốc cũ), là nơi có vị trí xa nhất trong tỉnh, với diện tích gần 14 km² và dân số xấp xỉ 1.900 người. Quan trọng hơn, Thổ Châu giữ vai trò chiến lược trong bảo vệ chủ quyền vùng biển Tây Nam, là điểm đặt cơ sở A1 tính đường cơ sở lãnh hải, và chỉ cách tuyến hàng hải quốc tế 12 hải lý – vị trí có giá trị quốc phòng – an ninh cực kỳ quan trọng.

Đặc khu Kiên Hải, được nâng cấp từ huyện đảo Kiên Hải trước đây, bao gồm quần đảo với 4 xã Hòn Tre, Hòn Sơn, Nam Du và An Sơn. Với diện tích gần 25 km² và hơn 23.000 dân, đặc khu này là quần thể đảo độc đáo nằm trong vịnh Rạch Giá, sở hữu tiềm năng lớn về du lịch biển đảo, khai thác hải sản và phát triển năng lượng tái tạo.

đặc khu kiên hải an giang
Đặc khu Kiên Hải nhìn từ trên cao

Điểm chung của cả ba đặc khu là vị trí biệt lập, điều kiện tự nhiên phức tạp nhưng có lợi thế lớn về tài nguyên biển và hành lang an ninh quốc phòng. Chính quyền An Giang mới đang đặt mục tiêu tập trung đầu tư hạ tầng kết nối, dịch vụ công cộng và chính sách phát triển đặc thù để đưa ba đặc khu này trở thành “vệ tinh” quan trọng của cả tỉnh.

Phú Quốc thành trung tâm kinh tế biển

Sau sáp nhập, Phú Quốc được tái xác lập là một đặc khu hành chính – kinh tế trực thuộc tỉnh An Giang, với diện tích hơn 589 km² bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 2 phường Dương Đông, An Thới và 6 xã Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Dương, Bãi Thơm, Gành Dầu, Cửa Cạn của TP. Phú Quốc cũ. Đây là bước ngoặt mang tính chiến lược, mở ra hàng loạt cơ hội phát triển chưa từng có cho đảo ngọc.

đặc khu phú quốc an giang
Đặc khu Phú Quốc, tỉnh An Giang

Là địa phương sở hữu nhiều ưu thế như sân bay quốc tế, cảng nước sâu, hệ thống đường sá, các khu phức hợp du lịch cao cấp,… Phú Quốc được định vị là trung tâm kinh tế biển. Đặc khu Phú Quốc giữ vai trò chiến lược trên nhiều lĩnh vực: là trung tâm kinh tế biển, đầu tàu phát triển du lịch, điểm thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính quyền đặc khu sẽ được trao nhiều quyền tự chủ về đất đai, đầu tư, tài chính, dịch vụ công… nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư và người dân.

Trong những năm gần đây, Phú Quốc đã thu hút hơn 300 dự án đầu tư lớn, hình thành một hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng thuộc hàng đẳng cấp quốc tế. Các thương hiệu nổi tiếng như Marriott, Accor, Hilton, Rosewood… đã và đang hiện diện, tạo nên “tuyến du lịch vàng” dọc bờ biển phía Tây và Nam đảo.

Gần đây, Phú Quốc được lựa chọn làm nơi đăng cai APEC 2027, là minh chứng cho vị thế ngày càng tăng trên bản đồ quốc tế. Với hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, logistics và dịch vụ đang được triển khai, đặc khu này đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chất lượng cao, hướng tới mục tiêu trở thành “Singapore của Việt Nam” trong lĩnh vực du lịch, thương mại và tài chính biển.

Thu Sa