Chính sách - Đầu tư

Thái Nguyên sau sáp nhập tham vọng trở thành cực tăng trưởng mới của vùng Thủ đô

Tuấn Anh 02/07/2025 18:00

Tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, thu hút thêm nhiều dự án lớn, nâng tầm kinh tế vùng ven Thủ Đô.

Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh

Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đồng thời là cực phát triển quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp.

Thái Nguyên mới
Thái Nguyên đang hướng tới trở thành một vùng vệ tinh phát triển phía bắc Hà Nội

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng các chương trình, kế hoạch chi tiết nhằm tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong đó, phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” được triển khai xuyên suốt, tập trung tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Nhiều thủ tục hành chính rườm rà đã được rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Cụ thể, thời gian trả kết quả đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn từ 3 ngày xuống còn 2 ngày; thời gian chấp thuận chủ trương đầu tư giảm từ 35 ngày xuống 25 ngày; thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 15 ngày còn 10 ngày. Thủ tục thẩm định nhu cầu về đất, giao đất, thuê đất không qua đấu giá cũng được cải tiến để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Ông Đoàn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên, đánh giá môi trường đầu tư của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp quyết định mở rộng sản xuất. Công ty này chuyên cung cấp dịch vụ xử lý nhiệt cho các ngành công nghiệp ô tô, xe máy và cơ khí chế tạo.

Thu hút nhiều dự án quy mô lớn và các tập đoàn đầu tư chiến lược

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, xác định Thái Nguyên trở thành trung tâm sản xuất điện, điện tử và cơ khí chế tạo trình độ cao. Tỉnh đang tập trung phát huy lợi thế về quỹ đất, nguồn nhân lực và hệ thống hạ tầng giao thông.

Hiện Thái Nguyên đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.200 ha, cùng 41 cụm công nghiệp trên 2.000 ha, tạo quỹ đất sạch lớn để thu hút đầu tư công nghiệp. Giai đoạn 2021–2025, tỉnh thu hút 161 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 67.000 tỷ đồng và 150 lượt dự án FDI cấp mới, điều chỉnh vốn với tổng vốn 2,73 tỷ USD.

KCN ở Thái Nguyên
Thái Nguyên cũng thu hút được rất nhiều nhà đầu tư

Trong những tháng đầu năm 2025, nhiều dự án hạ tầng và sản xuất lớn được khởi công, tiêu biểu như: Khu công nghiệp Sông Công II – giai đoạn 2, Khu công nghiệp Yên Bình 3, cầu Quang Vinh 1, Quang Vinh 2, hệ thống đường kết nối các phường Đồng Bẩm, Quang Vinh với xã Cao Ngạn.

Đáng chú ý, dự án Flamingo Majestic Islands Resort được xây dựng tại Thái Nguyên, trở thành khu nghỉ dưỡng 6 sao quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Sự xuất hiện của những dự án này đang góp phần hình thành các không gian phát triển mới, gia tăng sức hút đầu tư và thúc đẩy các ngành dịch vụ, du lịch phát triển song song với công nghiệp.

Tận dụng cơ hội hợp nhất và mở rộng dư địa tăng trưởng

Sau sáp nhập với Bắc Kạn, Thái Nguyên bước vào giai đoạn tái định hình cấu trúc phát triển kinh tế – xã hội. Kiến trúc sư Trần Hải Hưng nhận định, việc hợp nhất sẽ phát huy tối ưu tiềm năng hạ tầng giao thông, quy hoạch sử dụng đất và liên kết vùng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư dài hạn.

Quy hoạch tỉnh mới mở ra không gian phát triển liên hoàn, gia tăng dư địa thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và phát triển du lịch. Tỉnh xác định trọng tâm quy hoạch các phân khu chức năng hợp lý, hài hòa, bổ sung lợi thế của từng địa phương và tập trung nguồn lực phát triển có trọng điểm.

Số liệu cho thấy tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021–2025 của Thái Nguyên đạt khoảng 340.000 tỷ đồng, tăng 34% so với giai đoạn trước. Riêng từ năm 2021 đến nay, tỉnh thành lập mới 3.862 doanh nghiệp với vốn đăng ký hơn 31.000 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên gần 11.000.

Đây được xem là những kết quả bước đầu tạo nền tảng vững chắc để Thái Nguyên phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025, xây dựng nền kinh tế hiện đại, hài hòa, đồng thời giữ vững ổn định xã hội và quốc phòng – an ninh.

Tuấn Anh