Sau sáp nhập, tỉnh Ninh Bình đã vận hành chính quyền 2 cấp tốt như thế nào mà được người dân khen ngợi hết lời
Ngày 1/7/2025, 129 xã phường tại Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền hai cấp sau sáp nhập.
Ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp sau sáp nhập
Sáng 1/7/2025, toàn bộ 129 đơn vị hành chính xã, phường mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây là bước chuyển quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng phục vụ người dân.
Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy không khí làm việc khẩn trương, nền nếp và nghiêm túc. Các hoạt động hành chính được vận hành thông suốt ngay trong ngày đầu tiên, minh chứng cho quá trình chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng của cả hệ thống chính trị trước thời điểm sáp nhập chính thức.

Tại phường Tây Hoa Lư – đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích và dân số của xã Trường Yên, phường Ninh Giang, xã Ninh Hòa, xã Gia Sinh, xã Phúc Sơn và một phần xã Gia Tân từ 7 giờ sáng cán bộ công chức đã có mặt đầy đủ để tiếp công dân và triển khai công việc.
Bà Bùi Thị Lanh, người dân phố 1, chia sẻ: “Mặc dù mới sáp nhập nhưng không khí làm việc rất nghiêm túc, thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, cán bộ tận tình hướng dẫn.”
Tập trung phục vụ người dân, bảo đảm vận hành thông suốt
Song song với hoạt động tiếp công dân tại Trung tâm phục vụ hành chính công, phường Tây Hoa Lư cũng đã tổ chức kỳ họp đầu tiên của Hội đồng nhân dân để công bố các quyết định về nhân sự chủ chốt. Đồng chí Nguyễn Thị Yến – Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất là duy trì ổn định bộ máy, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, nhất là công tác tiếp dân, xử lý các vấn đề dân sinh.
Để làm được điều đó, địa phương đã tổ chức rà soát, phân vùng địa bàn, phân công cán bộ bám sát cơ sở, chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Ông Nguyễn Văn Quý, công dân xã Tân Kỳ, cho biết: “Ban đầu chúng tôi có lo lắng, nhưng thực tế mọi hoạt động hành chính vẫn diễn ra trôi chảy, không gặp trở ngại.”
Tại xã Gia Viễn, mới thành lập từ việc hợp nhất thị trấn Thịnh Vượng và xã Gia Hòa, bộ máy chính quyền hoạt động ổn định, nhịp nhàng. Trong buổi sáng 1/7, Trung tâm phục vụ hành chính công xã đã tiếp nhận và xử lý gần 50 hồ sơ liên quan đến đất đai và giấy tờ nhân thân.

Lãnh đạo xã Gia Viễn chia sẻ: “Trước thời điểm chính thức đi vào hoạt động, toàn bộ cán bộ, công chức được tập huấn quy trình nghiệp vụ, chuẩn hóa quy trình tiếp nhận hồ sơ để tránh xảy ra xáo trộn.”
Phục vụ công dân chu đáo tại các địa phương trọng điểm
Tại phường Phủ Lý, không khí làm việc ngày đầu cũng diễn ra nghiêm túc. Ông Bùi Văn Yên, tổ 8, chia sẻ: “Tôi đến nhờ tư vấn chế độ chính sách, được cán bộ tiếp nhận, giải thích rõ ràng. Hy vọng Trung tâm phục vụ hành chính công sẽ tiếp tục làm tốt.”

Phường Đồng Văn, trung tâm phát triển công nghiệp – dịch vụ của thị xã Duy Tiên cũ, cũng ghi nhận khởi đầu thuận lợi. Đây là đơn vị hành chính mới hình thành từ việc sáp nhập ba phường Yên Bắc, Đồng Văn và Bạch Thượng. Dù quy mô dân số đông, diện tích rộng, nhưng các hoạt động tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính vẫn thông suốt.
Tại xã Liêm Hà – nơi hợp nhất các xã Thanh Hà, Liêm Phong và Liêm Cần công tác tổ chức vận hành bộ phận Một cửa được triển khai nền nếp. Bà Nguyễn Thị Sinh, thôn Nhất Nhì, chia sẻ: “Cán bộ tiếp nhận hồ sơ rất trách nhiệm, hồ sơ được giải quyết ngay trong buổi sáng.”
Đồng bộ hạ tầng, tăng cường tuyên truyền
Khảo sát tại các địa phương cho thấy, biển hiệu mới, bảng chỉ dẫn và hệ thống cơ sở vật chất phục vụ làm việc đã được hoàn thiện đồng bộ. Hệ thống công nghệ thông tin được cập nhật kịp thời, tạo thuận lợi cho công tác quản lý dữ liệu.

Tên gọi đơn vị hành chính, chức danh lãnh đạo, biểu mẫu văn bản mới cũng đã được thông báo rộng rãi tới người dân qua loa truyền thanh, mạng xã hội và họp dân. Tại tất cả trụ sở, cán bộ, công chức có mặt đúng giờ, làm việc nghiêm túc, bảo đảm không xảy ra gián đoạn dịch vụ công.
Theo đánh giá của các cấp chính quyền, việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp tại Ninh Bình bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng cho giai đoạn cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý và chất lượng phục vụ nhân dân.