Chính sách - Đầu tư

Sau sáp nhập, miền Bắc xuất hiện “siêu thủ phủ công nghiệp” mới, quy tụ hàng loạt “ông lớn” toàn cầu: Kinh tế vươn lên thứ 5 cả nước

Thu Sa 02/07/2025 11:24

Sau sáp nhập toàn quốc, đây là tỉnh có quy mô kinh tế đứng thứ 5 cả nước, trở thành "siêu thủ phủ công nghiệp" của Việt Nam.

Khi hai thủ phủ công nghiệp hợp nhất thành một

Kể từ ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức vận hành bộ máy hành chính mới với 34 tỉnh, thành phố thay vì 63 như trước. Trong đó, việc sáp nhập giữa Bắc Ninh và Bắc Giang được đánh giá là một trong những bước ngoặt quan trọng, mở ra không gian phát triển kinh tế – công nghiệp mới ở vùng Thủ đô và miền Bắc.

tỉnh Bắc Ninh mới sáp nhập
Tỉnh Bắc Ninh mới sẽ là một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất cả nước giai đoạn 2025–2030

Tỉnh mới giữ tên gọi Bắc Ninh, có trung tâm hành chính đặt tại thành phố Bắc Giang, với diện tích tự nhiên gần 4.720 km², dân số hơn 3,6 triệu người – đứng trong nhóm đông dân và có mật độ công nghiệp hóa cao nhất cả nước.

Trước sáp nhập, Bắc Ninh được mệnh danh là "thủ phủ điện tử", thu hút hơn 41 quốc gia và vùng lãnh thổ, nổi bật là Samsung, Canon, Nokia, Amkor… Tỉnh này có tới 16 khu công nghiệp tập trung, trong đó 12 khu đã hoạt động, từng nhiều năm dẫn đầu cả nước về sản lượng công nghiệp và tốc độ thu hút FDI.

GRDP năm 2024 của Bắc Ninh đạt 232.800 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước; thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh cũng định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để tận dụng diện tích canh tác hạn chế, chỉ khoảng 31.000 ha.

Cộng hưởng sức mạnh từ Bắc Giang – vùng tăng trưởng nóng nhất cả nước

Nếu Bắc Ninh nổi tiếng nhờ công nghiệp điện tử, thì Bắc Giang lại ghi dấu với tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. Trong năm 2024 và quý I/2025, tỉnh này liên tục dẫn đầu cả nước về mức tăng GRDP, đạt trên 13%, với tổng quy mô kinh tế hơn 207.000 tỷ đồng, đứng thứ 12 toàn quốc.

samsung bắc ninh
Tỉnh Bắc Ninh mới là cứ điểm sản xuất của nhiều tập đoàn lớn toàn cầu

Bắc Giang cũng có lợi thế về mặt địa lý khi nằm sát Thủ đô Hà Nội, kết nối thuận lợi với các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 1A, đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, đồng thời gần các sân bay và cảng biển lớn.

Với 16 khu công nghiệp đã được phê duyệt đầu tư và 55 cụm công nghiệp, tổng diện tích quy hoạch gần 6.000 ha, Bắc Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất linh kiện, điện tử, dệt may và lắp ráp máy móc. Tổng vốn FDI năm 2024 của tỉnh đạt 2,23 tỷ USD, xếp hạng 11 toàn quốc.

Ngoài ra, Bắc Giang còn nổi bật với nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gồm các vùng cây ăn quả (vải thiều), vùng rau an toàn, thủy sản chuyên canh – tạo nên một cấu trúc kinh tế đa dạng, bổ sung tốt cho Bắc Ninh vốn tập trung vào công nghiệp.

Việc hợp nhất hai địa phương này không chỉ tạo thành một "siêu thủ phủ công nghiệp" miền Bắc, mà còn giúp giải phóng quỹ đất, đồng bộ quy hoạch và thu hút dòng vốn lớn nhờ chính sách tập trung. Đây được dự báo sẽ là một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất cả nước giai đoạn 2025–2030.

Tại buổi tiếp xúc cử tri Bắc Giang vào ngày 16/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết tỉnh Bắc Ninh (mới) sau sáp nhập sẽ có vai trò và vị thế rất lớn, với quy mô kinh tế đứng thứ 5 cả nước, chỉ sau TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đồng Nai.

Thu Sa