Người dân, doanh nghiệp lưu ý: Muốn được khấu trừ thuế không nên dùng tiền mặt khi mua hàng này
Với những giao dịch có giá trị nhất định, việc thanh toán bằng tiền mặt sẽ không còn được chấp nhận nếu muốn khấu trừ thuế VAT.
Kể từ ngày 1/7/2025, Nghị định mới của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) chính thức có hiệu lực. Một trong những nội dung đáng chú ý là yêu cầu doanh nghiệp và hộ kinh doanh phải sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nếu muốn được khấu trừ thuế VAT đầu vào đối với các hóa đơn từ 5 triệu đồng trở lên (đã bao gồm VAT).

Theo quy định mới, để đảm bảo đủ điều kiện khấu trừ VAT, các cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) hợp lệ và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt cho hàng hóa, dịch vụ mua vào có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên. Các hình thức thanh toán hợp lệ bao gồm chuyển khoản qua ngân hàng, thanh toán bù trừ, thanh toán ủy quyền hoặc các phương thức khác theo quy định tại Nghị định 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Quy định cũng mở rộng và làm rõ một số trường hợp đặc thù thường gặp trong thực tế giao dịch. Chẳng hạn, với các giao dịch thanh toán bù trừ giữa giá trị mua và giá trị bán, hai bên hoặc ba bên liên quan phải có biên bản đối chiếu xác nhận rõ ràng. Trong trường hợp vay hoặc mượn tiền để mua hàng hóa, phải có hợp đồng vay mượn được lập trước và có chứng từ chuyển khoản chứng minh dòng tiền từ bên cho vay sang bên vay.
Nếu bên mua thanh toán thông qua một bên thứ ba do bên bán chỉ định, thì hợp đồng mua bán cần thể hiện rõ nội dung này. Đồng thời, bên thứ ba phải là cá nhân hoặc tổ chức có pháp nhân hợp pháp. Đối với các giao dịch được thanh toán bằng cổ phiếu hoặc trái phiếu, cũng yêu cầu có hợp đồng mua bán cụ thể được ký trước đó.
Đáng chú ý, nếu sau khi bù trừ, phần giá trị còn lại của giao dịch vẫn từ 5 triệu đồng trở lên và được thanh toán bằng tiền thì vẫn bắt buộc phải thực hiện chuyển khoản hoặc sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp người mua phải nộp tiền vào tài khoản của bên bán mở tại Kho bạc Nhà nước theo quyết định cưỡng chế của cơ quan chức năng thì khoản thanh toán đó vẫn được tính là đủ điều kiện để khấu trừ thuế.
Đối với các giao dịch mua hàng trả chậm hoặc trả góp có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên, doanh nghiệp cần có hợp đồng, hóa đơn và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để được khấu trừ thuế. Trong trường hợp chưa đến hạn thanh toán, vẫn có thể được tạm khấu trừ. Tuy nhiên, nếu đến hạn mà không xuất trình được chứng từ chuyển khoản thì phải thực hiện kê khai điều chỉnh giảm số thuế đã khấu trừ trước đó.
Với những giao dịch mua nhiều lần trong cùng một ngày từ một người bán, nếu tổng giá trị đạt từ 5 triệu đồng trở lên thì vẫn phải tuân thủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt để được khấu trừ thuế. Trong khi đó, các trường hợp nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài có giá trị từng lần từ 5 triệu đồng trở lên, hoặc nhận hàng biếu, tặng, hàng mẫu không mất tiền, sẽ không bắt buộc có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Một điểm đáng lưu ý khác là nếu doanh nghiệp ủy quyền cho nhân viên thanh toán bằng hình thức chuyển khoản từ tài khoản cá nhân, sau đó hoàn ứng lại cho người lao động, thì vẫn được chấp nhận khấu trừ VAT. Tuy nhiên, điều kiện là doanh nghiệp phải quy định rõ trong quy chế tài chính hoặc nội bộ.