Chính sách - Đầu tư

Giữa kỳ vọng lớn lao, đường sắt cao tốc Bắc – Nam phải khẩn trương hoàn thành yếu tố này trước hạn chót

Nguyễn Trang 02/07/2025 10:20

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đang bước vào giai đoạn chuẩn bị quan trọng để công tác xây dựng có hiệu quả trên toàn tuyến.

Kiến nghị đẩy nhanh cắm mốc và triển khai dự án

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, dự án giao thông trọng điểm quốc gia, đang bước vào giai đoạn chuẩn bị quan trọng, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng và cắm mốc chỉ giới. Tại Hà Nội, nhiều cử tri đã bày tỏ mong muốn các bộ, ngành liên quan sớm lập hồ sơ, hoàn thiện thủ tục cắm mốc chỉ giới để địa phương chủ động triển khai quản lý quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, tái định cư và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Cần thực hiện việc cắm mốc chỉ giới sớm cho dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam
Cần thực hiện việc cắm mốc chỉ giới sớm cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Theo phản ánh của cử tri huyện Thường Tín, tuyến đường sắt tốc độ cao và hạ tầng kỹ thuật kèm theo đã được xác định trong các quy hoạch Thủ đô. Tuy nhiên, việc cắm mốc giới cụ thể vẫn chậm, gây khó khăn cho địa phương trong quản lý đất đai và quy hoạch xây dựng. Cử tri đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, triển khai cắm mốc, tạo cơ sở pháp lý cho công tác giải phóng mặt bằng.

Bộ Xây dựng: Đã bàn giao hồ sơ cắm mốc cho các tỉnh, thành phố

Phản hồi kiến nghị này, Bộ Xây dựng cho biết Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam được lập trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, cùng các quy hoạch liên quan tại địa phương. Dự án đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 172/2024.

Triển khai chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 106/NQ-CP ngày 23/4/2025, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, phấn đấu khởi công dự án vào cuối năm 2026. Thủ tướng Chính phủ đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực đường sắt, trực tiếp do Thủ tướng làm Trưởng ban.

Bộ Xây dựng khẳng định đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã hoàn thành bàn giao hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ ranh giới giải phóng mặt bằng tuyến, ga và tọa độ tim tuyến cho toàn bộ các tỉnh, thành phố có dự án đi qua. Đây là cơ sở để các địa phương chủ động rà soát nhu cầu tái định cư và lập kế hoạch bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

Bộ cũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng tại từng địa phương, phối hợp các sở, ngành triển khai công việc, bảo đảm tiến độ chung của dự án.

Nhiệm vụ cấp bách: Hoàn thành thủ tục và cắm mốc trước tháng 12/2026

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541 km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP.HCM. Tổng nhu cầu sử dụng đất ước tính hơn 10.800 ha, ảnh hưởng trực tiếp hàng chục nghìn hộ dân.

Đường sắt cao tốc Bắc Nam
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ cần diện tích rất lớn để xây dựng, vì thế công tác GPMB cần phải thực hiện chính xác và nhanh gọn để tránh ảnh hưởng đến tiến độ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu các địa phương khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy hoặc Thành ủy đứng đầu, hoàn tất trước ngày 5/7/2025. Các Ban Chỉ đạo này phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về tiến độ giải phóng mặt bằng, tuyệt đối không ủy thác hoàn toàn cho cấp xã, phường.

Để bảo đảm tiến độ, trước mắt các địa phương phải tập trung hoàn thiện thủ tục tái định cư, lựa chọn các vị trí thuận lợi tổ chức lễ khởi công các khu tái định cư trong tháng 8/2025. Thời hạn bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công là tháng 12/2026, đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Một số địa phương đi đầu triển khai

Nhiều tỉnh, thành phố đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo và triển khai các bước chuẩn bị. Ninh Bình là địa phương đầu tiên hoàn tất thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tiến hành kiểm đếm đất đai và chuẩn bị phương án bồi thường. Hà Tĩnh cũng đã công bố kế hoạch thu hồi hơn 764 ha đất và di dời hơn 200 hộ dân, dự kiến khởi công khu tái định cư từ tháng 8/2025.

Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban, tập trung chỉ đạo các quận, huyện, sở ngành liên quan phối hợp kiểm đếm tài sản, lập phương án bồi thường, tái định cư. Tại TP.HCM, lãnh đạo thành phố yêu cầu hoàn tất hồ sơ trình duyệt trong quý III/2025, chuẩn bị quỹ đất tái định cư.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh, khẳng định quyết tâm đồng bộ cùng tiến độ toàn tuyến.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam không chỉ là dự án giao thông lớn nhất từ trước đến nay, mà còn được xem là phép thử về năng lực phối hợp giữa các cấp chính quyền. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối xuyên suốt hai miền đất nước, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM chỉ còn khoảng 6 giờ, thay đổi căn bản diện mạo giao thông quốc gia.

Nguyễn Trang