Sau sáp nhập, đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ băng qua những xã mới nào của Nghệ An?
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam qua địa phận tỉnh Nghệ An với tổng chiều dài 85,5km. Sau khi sáp nhập trong tỉnh, tuyến đường sắt này sẽ đi qua các xã mới.
Bộ Xây dựng đã gửi văn bản đến 15 tỉnh, thành phố (theo đơn vị mới sau sáp nhập) có tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam đi qua, yêu cầu các địa phương chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án.

Tại Nghệ An, địa phương cũng đang khẩn trương chỉ đạo triển khai công việc liên quan. Thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng Dự án đường sắt tốc độ cao trên địa bàn. Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong công tác chuẩn bị mặt bằng.
Theo kế hoạch, Nghệ An dự kiến sẽ bố trí hơn 30 khu tái định cư phục vụ di dời người dân. Tuy nhiên, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã khiến địa phương phải rà soát, điều chỉnh lại nhiều loại quy hoạch, trong đó có quy hoạch tái định cư, đòi hỏi thời gian khảo sát và tích hợp một cách khoa học.
Những xã mới của Nghệ An có Đường sắt cao tốc Bắc-Nam đi qua
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam do Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Bộ Xây dựng): đoạn tuyến đi qua tỉnh Nghệ An có tổng chiều dài khoảng 85,5km. Trong đó, dự kiến bố trí 2 trạm dồn dịch kỹ thuật để phục vụ bảo trì đường sắt (gồm máy đầm, máy nâng chèn, máy điều hòa đá ba lát...) và làm nơi lưu trữ vật tư, vật liệu chuyên dụng.
Tuyến qua Nghệ An được chia thành hai đoạn chính, gồm:
Đoạn 1, kéo dài từ thị xã Hoàng Mai (cũ) đến khu vực núi Thần Vũ: Tuyến vượt qua núi Trường Lâm (thuộc huyện Tĩnh Gia cũ, tỉnh Thanh Hóa), tránh khu vực Nhà máy xi măng Hoàng Mai tại xã Hoàng Mai 1, sau đó hướng về phía Tây. Tuyến được bố trí nằm giữa hành lang tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện hữu và đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đảm bảo phù hợp quy hoạch địa phương. Đoạn này đi qua các xã: Quỳnh Văn, Quỳnh Sơn (thuộc huyện Quỳnh Lưu cũ), Minh Châu, Tân Châu, Hùng Châu, Đức Châu, Diễn Châu và An Châu (huyện Diễn Châu cũ). Tuyến cơ bản đi song song với đường sắt hiện hữu, cách khoảng 100 – 400m về phía Tây.
Đoạn 2, từ núi Thần Vũ đến sông Lam: Tuyến đi qua hầm Thần Vũ (nay thuộc xã Tân Châu, huyện Diễn Châu cũ), sau đó cắt qua địa bàn xã Nghi Đồng (huyện Nghi Lộc cũ), tránh khu vực đập Ô Ồ, tiếp tục men theo hành lang quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam. Tuyến cơ bản song song về phía Đông với đường bộ cao tốc Bắc – Nam, sau đó nhập vào hành lang giữa tuyến cao tốc và tuyến tránh TP. Vinh. Trước khi rời Nghệ An, tuyến vượt qua Quốc lộ 46 cũ, tuyến đường sắt hiện tại và sông Lam tại khu vực xã Hưng Khánh (huyện Hưng Nguyên cũ, nay là xã Hưng Thành) để sang địa phận tỉnh Hà Tĩnh.
Ga Vinh, depot đường sắt cao tốc
Đoạn tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam đi qua Nghệ An sẽ có một nhà ga chính là ga Vinh, được đặt tại xã Hưng Nguyên (xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên cũ). Vị trí ga nằm giữa Khu công nghiệp VSIP và trục Quốc lộ 46 mới, có vai trò kết nối khu vực phía Tây nội đô TP. Vinh với trung tâm thành phố. Đây là nhà ga quy mô lớn với 4 đường ray, phục vụ toàn bộ các đoàn tàu dừng đỗ tại khu vực Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh nhà ga, Depot Vinh – nơi tập trung bảo trì, sửa chữa kỹ thuật, kiểm tra phương tiện và thiết bị thi công – sẽ được bố trí tại xã Lam Thành và xã Hưng Nghĩa (trước là Hưng Nguyên Nam và Thông Tân, thuộc huyện Hưng Nguyên cũ). Depot này có chức năng hỗ trợ vận hành khai thác cho đoạn tuyến Ngọc Hồi – Vinh, được xem là mắt xích kỹ thuật quan trọng trong vận hành tuyến tốc độ cao Bắc – Nam.
Công trình chiến lược
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (hơn 67,3 tỷ USD). Tuyến dài 1.541 km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM).
Dự án đi qua 15 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập) gồm: Thủ đô Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị , Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắc Lắk, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuyến sử dụng khổ đường đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục. Toàn tuyến có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, phục vụ vận tải tốc độ cao và có thể chuyển đổi sang chở hàng khi cần.
Đường sắt cao tốc Bắc-Nam là công trình hạ tầng chiến lược, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng kết nối liên vùng, vừa phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh. Dự kiến, công trình khởi công trước ngày 31/12/2026 và cơ bản hoàn thành vào năm 2035.