Mô hình mới

Dám nghĩ dám làm, nông dân Cà Mau nuôi giống "đặc sản lạ", giờ thành mỏ vàng mang về hàng tỷ đồng mỗi năm

Ngọc Linh 01/07/2025 11:12

Từ hộ làm lúa thu nhập bấp bênh, nông dân Cà Mau mạnh dạn thử nghiệm mô hình mới. Sau hơn 20 năm, ông sở hữu cả đế chế, thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng/năm.

Bén duyên với loài cá đặc sản

Ở vùng sông nước Cà Mau, nhắc đến nghề nuôi cá chình, nhiều người nghĩ ngay đến ông Nguyễn Hữu Ánh (67 tuổi), thường được gọi thân mật là Bảy Ánh. Ông là một trong những nông dân tiên phong mạnh dạn đưa loài cá đặc sản này về nuôi thử nghiệm tại TP Cà Mau, đặt nền móng cho phong trào nuôi cá chình phát triển tại địa phương.

Ông Ánh tại khu ao nuôi nhà mình
Ông Ánh tại khu ao nuôi nhà mình

Trước đây, gia đình ông chủ yếu làm lúa nhưng thu nhập không ổn định, đời sống bấp bênh. Sau một thời gian nuôi cá bống tượng và tích lũy được ít vốn, năm 1999, ông Ánh được người quen giới thiệu về mô hình nuôi cá chình ở Khánh Hòa. Dù đây là giống cá còn rất mới tại Cà Mau, nhưng nhận thấy tiềm năng kinh tế lớn, ông quyết định “làm liều” đào ao, mua 20 kg cá giống về thả.

Ban đầu, việc nuôi loài cá này nhận nhiều e ngại. Vợ ông Ánh cũng từng phản đối vì lo rủi ro cao. Tuy nhiên, nhờ quyết tâm và kinh nghiệm tích lũy từ việc nuôi các loại cá khác, sau 18 tháng, ông thu hoạch hơn 300 con cá chình, trọng lượng mỗi con từ 1–3 kg, bán được 65 triệu đồng. Đây là số tiền lớn vào thời điểm đó, giúp ông mạnh dạn mở rộng mô hình nuôi.

Mở rộng quy mô, nuôi bài bản

Sau lứa cá đầu tiên thành công, ông Ánh đào thêm nhiều ao mới. Đến năm 2019, sau hai thập kỷ tích lũy kinh nghiệm và vốn, ông đầu tư hơn 8 tỷ đồng mua 5,5 ha đất để xây dựng khu nuôi cá chình quy mô lớn. Trên diện tích này, ông đào tổng cộng 45 ao, mỗi ao rộng khoảng 800 m2. Ông bố trí thả cá luân phiên, nhờ đó có sản phẩm bán liên tục mỗi tháng.

Cá chình nhà ông Ánh có giá trị mua bán rất cao
Cá chình nhà ông Ánh có giá trị mua bán rất cao

Ông Bảy Ánh chia sẻ, cá chình rất dễ nuôi vì thức ăn chủ yếu là cá tạp, ít mắc bệnh, song do vòng đời nuôi dài khoảng 18 tháng, con giống có giá cao nên đòi hỏi nông dân phải kiên trì và nắm vững kỹ thuật quản lý môi trường nước.

Quy trình nuôi được ông áp dụng cẩn trọng: Sau khi đào ao, ông cho ngâm nước 15–20 ngày, xả bỏ và thay nước mới, đồng thời dùng vôi bột để xử lý mầm bệnh. Mực nước được duy trì ở mức 1,6m. Mỗi ao thả khoảng 1.000 con cá giống. Để phòng bệnh đường ruột, ông cho cá ăn cách ngày theo giờ cố định. Sau 8 tháng, cá được tách đàn, phân loại theo kích cỡ, chuyển sang ao khác. Trong chu kỳ nuôi, cá được chuyển ao hai lần để làm sạch đáy, tạo môi trường sạch, hạn chế dịch bệnh.

“Đặc biệt thời điểm giao mùa tháng 9, cá dễ bị yếu, tôi giảm lượng thức ăn xuống 40–50%. Nếu thấy cá nổi đầu thì phải thay nước hoặc chuyển ao ngay,” ông Ánh nói.

Thu nhập ổn định, lan tỏa kinh nghiệm

Nhờ mô hình nuôi quy mô lớn, mỗi năm ông Ánh xuất bán khoảng 4 tấn cá chình thương phẩm, giá dao động 400–500 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, lợi nhuận thu về trên 1,5 tỷ đồng/năm. Ngoài nuôi cá, ông còn tận dụng đất trống trồng hơn 600 cây dừa, 150 cây sa pô và 50 cây xoài để bổ sung nguồn thu lâu dài.

Giờ mỗi năm ông Ánh thu lãi ròng cả tỷ đồng từ mô hình này
Giờ mỗi năm ông Ánh thu lãi ròng cả tỷ đồng từ mô hình này

Ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, nhận định: “Ông Ánh là tấm gương nông dân tiêu biểu, dám nghĩ dám làm. Việc nuôi cá chình luân chuyển ao định kỳ giúp cá khỏe, ít bệnh, đảm bảo sản lượng ổn định.”

Nhờ sự kiên trì và cách làm bài bản, ông Bảy Ánh trở thành thành viên Câu lạc bộ Tỷ phú nông dân xã Tân Thành. Mô hình của ông thu hút nhiều người từ khắp nơi đến tham quan, học hỏi.

Hiện nay, phong trào nuôi cá chình ở Tân Thành không còn lạ lẫm. Nhiều nông dân khác đã mạnh dạn đầu tư, góp phần đa dạng hóa sản phẩm thủy sản địa phương và nâng cao thu nhập bền vững.

Ngọc Linh