Chính sách - Đầu tư

Những cái nhất, đáng chú ý về 34 tỉnh, thành phố mới sau sáp nhập

Thu Sa 01/07/2025 10:00

Từ 1/7/2025, Việt Nam chính thức chỉ còn 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập hành chính quy mô lớn. Từ đó xuất hiện hàng loạt kỷ lục đáng chú ý.

TP.HCM đông dân nhất, Đà Nẵng rộng nhất, Hà Nội có mật độ cao nhất

Cuộc sáp nhập hành chính từ ngày 1/7 đã đưa TP.HCM trở thành địa phương đông dân nhất cả nước với gần 14 triệu người, sau khi sáp nhập thêm hai trung tâm công nghiệp trọng điểm là Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Với dân số này, TP.HCM đông hơn cả nhiều quốc gia nhỏ trên thế giới, trở thành siêu đô thị đúng nghĩa.

thành phố hà nội đông dân nhất
Nhà cửa dày đặc khi nhìn đô thị Hà Nội từ trên cao

Tuy nhiên, nếu xét về mật độ dân số, Hà Nội lại chiếm vị trí dẫn đầu với hơn 2.600 người/km2, bỏ xa TP.HCM (2.000 người/km2) và Hải Phòng (1.460 người/km2). Ở chiều ngược lại, Huế là thành phố có dân số ít nhất trong 6 đô thị trung ương, chỉ khoảng 1,4 triệu người với mật độ 289 người/km2.

Đáng chú ý, Đà Nẵng trở thành thành phố có diện tích lớn nhất cả nước sau khi sáp nhập Quảng Nam, với tổng diện tích 11.860 km2. Trong khi đó, dù tiếp nhận tỉnh Hải Dương, Hải Phòng lại trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích nhỏ nhất, chỉ hơn 3.195 km².

Tỉnh có diện tích lớn nhất sau sáp nhập là Lâm Đồng, với tổng diện tích hơn 24.233 km2 – sau khi hợp nhất với Đắk Nông và Bình Thuận. Đặc biệt, đây là trường hợp duy nhất hợp nhất từ ba tỉnh từng thuộc ba vùng kinh tế khác nhau: Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Ngược lại, tỉnh Hưng Yên sau khi sáp nhập thêm Thái Bình, là tỉnh nhỏ nhất với diện tích chỉ 2.515 km².

An Giang sau khi kết hợp với Kiên Giang đã trở thành tỉnh đông dân nhất cả nước với gần 4,9 triệu người. Theo sau lần lượt là Đồng Nai (4,5 triệu), Ninh Bình (4,4 triệu) và Đồng Tháp (4,37 triệu). Lai Châu vẫn là tỉnh ít dân nhất với chỉ 512.000 người, mật độ trung bình chỉ 56 người/km² – phản ánh rõ nét đặc điểm thưa thớt của vùng núi cao Tây Bắc.

Sau sáp nhập, Phú Thọ thiết lập một “kỷ lục địa lý” mới khi trở thành tỉnh tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành nhất cả nước – lên tới 7 đơn vị hành chính: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Điều này mở ra tiềm năng liên kết vùng mạnh mẽ cho khu vực trung du Bắc Bộ.

TP.HCM dẫn đầu thu ngân sách, Hà Nội vượt lên về thu nhập bình quân

Năm 2024, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về thu ngân sách. Nhưng cục diện này đã thay đổi sau khi TP.HCM hợp nhất cùng hai "cỗ máy kinh tế" là Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau sáp nhập, TP.HCM đạt mức thu ngân sách hơn 681.935 tỷ đồng, tương đương gần 31% cả nước, vượt lên trên Hà Nội (511.338 tỷ đồng) và Hải Phòng (148.383 tỷ đồng).

Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vốn đã nằm trong nhóm tỉnh có thu ngân sách cao nhất Việt Nam, với hơn 76.000 tỷ và 100.000 tỷ đồng mỗi năm. Việc sáp nhập đã tạo ra một TP.HCM không chỉ đông dân mà còn là trung tâm tài chính khổng lồ.

Tuy nhiên, nếu xét về thu nhập bình quân đầu người, sau sáp nhập thứ hạng đã thay đổi, Hà Nội vươn lên dẫn đầu đạt 89 triệu đồng/năm, vượt cả mức 81,5 triệu đồng của TP.HCM và 84,4 triệu đồng của Hải Phòng. Trước đây, Bình Dương từng giữ vị trí cao nhất cả nước với 107,6 triệu đồng/người, nhưng việc sáp nhập khiến thu nhập bình quân tại TP.HCM bị pha loãng đôi chút, chỉ còn khoảng 86,5 triệu đồng/năm.

Đồng Nai, vốn có sức bật công nghiệp mạnh, cũng có mức thu nhập bình quân cao là 72,75 triệu đồng, dù sụt nhẹ sau khi sáp nhập với Bình Phước.

Việc sáp nhập không chỉ là động thái hành chính, mà còn là “bản lề” chiến lược để phân bổ nguồn lực, tối ưu hoá liên kết vùng và phát triển bền vững.

Trước đó, ngày 30/6, các tỉnh, thành phố mới đã đồng loạt công bố địa giới hành chính, tên đơn vị mới, cũng như danh sách ban lãnh đạo cấp tỉnh. Đây được xem là bước chuyển quan trọng trong hành trình tái định hình bản đồ hành chính quốc gia – gọn nhẹ hơn, hiệu quả hơn, nhưng cũng đầy tiềm năng phát triển đột phá.

Thu Sa