Món nợ ngoại tệ manh nha bào mòn 1.700 tỷ lợi nhuận của chủ đầu tư sân bay Long Thành
Món nợ ngoại tệ âm thầm tạo áp lực lên chủ đầu tư sân bay Long Thành, khi biến động tỷ giá có thể khiến doanh nghiệp lỗ tỷ giá năm 2025 lên tới khoảng 1.700 tỷ đồng.
Sáng 30/6, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Đại hội có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan quản lý như ông Phạm Minh Hoàng – Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Nhà nước (Bộ Tài chính), ông Phạm Văn Hảo – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Xây dựng), cùng ban lãnh đạo ACV, thành viên Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát và các cổ đông.
.jpg)
Trong năm 2025, ACV đặt mục tiêu phục vụ tổng cộng 119 triệu lượt hành khách, tăng 8% so với năm 2024. Trong đó, khách quốc tế dự kiến đạt 45 triệu lượt, khách nội địa khoảng 74 triệu lượt. Khối lượng hàng hóa và bưu kiện vận chuyển ước gần 1,58 triệu tấn, tổng số chuyến cất hạ cánh đạt trên 720.000 lượt.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của ACV đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt khoảng 22.239 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước. Riêng doanh thu từ hoạt động cốt lõi dự kiến đạt hơn 21.500 tỷ đồng, tăng 8,6%. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế ước giảm 17% xuống mức 10.531 tỷ đồng do ảnh hưởng từ biến động tỷ giá. Tuy vậy, lợi nhuận thuần từ sản xuất kinh doanh chính vẫn được dự kiến tăng hơn 8%, đạt khoảng 11.747 tỷ đồng.
Một vấn đề đáng chú ý được đề cập tại đại hội là rủi ro tỷ giá. Ông Nguyễn Văn Nhung – Kế toán trưởng ACV cho biết tỷ giá JPY/VND từ đầu năm đã tăng từ 153 lên 173 và nếu xu hướng này tiếp tục, có thể lên mức 185 vào cuối năm. Theo ông Nhung, nếu kịch bản đó xảy ra, lỗ tỷ giá năm 2025 có thể lên tới khoảng 1.700 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm, ACV ước tính đã ghi nhận khoản lỗ tỷ giá khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính quý I/2025, ACV đang duy trì các khoản vay dài hạn quy mô lớn bằng nguồn vốn ODA từ những năm 2002, 2010..., chủ yếu phục vụ các dự án xây dựng và mở rộng nhà ga quốc tế tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính tính đến cuối tháng 3/2025 đạt khoảng 9.827 tỷ đồng, trong đó phần lớn là dư nợ dài hạn. Các khoản vay này được giải ngân bằng đồng Yên Nhật, với thời hạn lên tới 40 năm và lãi suất dao động từ 0,21% đến 1,6%/năm. Việc tỷ giá JPY/VND tăng mạnh đã làm giá trị quy đổi các khoản vay phình to, gây áp lực lớn lên kết quả kinh doanh. Trong quý I, riêng phần chênh lệch đánh giá lại tỷ giá cuối kỳ đã tăng thêm khoảng 230 tỷ đồng.
Diễn biến này kéo lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2025 giảm 23% so với cùng kỳ, còn khoảng 5.851 tỷ đồng – so với mức nền lợi nhuận cao của năm ngoái khi công ty hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá.
Về đầu tư, ACV tiếp tục dành nguồn lực lớn cho các dự án hạ tầng hàng không trong năm nay. Tổng vốn đầu tư kế hoạch khoảng 146.819 tỷ đồng, trong đó hơn 39.800 tỷ đồng được phân bổ riêng cho phát triển đầu tư. Dự án Sân bay quốc tế Long Thành – do ACV làm chủ đầu tư – dự kiến cơ bản hoàn thiện trong năm 2025 và có thể đưa vào khai thác thương mại từ nửa đầu năm 2026.
Một số dự án trọng điểm khác đang triển khai gồm: mở rộng Nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; mở rộng sân đỗ giai đoạn 2 ở Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; khởi công xây dựng Nhà ga T2 tại Cát Bi; mở rộng Cảng hàng không Cà Mau.
Về phương án tăng vốn, Đại hội đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 64,58%. Theo đó, mỗi 100 cổ phiếu đang sở hữu, cổ đông sẽ nhận thêm gần 65 cổ phiếu mới. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của ACV sẽ tăng từ hơn 21.700 tỷ đồng lên gần 35.830 tỷ đồng, đưa doanh nghiệp vào nhóm ít công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có vốn điều lệ vượt mốc 1 tỷ USD.
ACV là chủ đầu tư dự án sân bay quốc tế Long Thành nằm tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách TP.HCM khoảng 40 km. Dự án được quy hoạch trên diện tích 5.000 ha, với mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển hàng không lớn nhất Việt Nam và khu vực.
Tổng công suất thiết kế khi hoàn thành toàn bộ có thể phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Trong giai đoạn đầu, sân bay sẽ khai thác 25 triệu khách, với một đường băng dài 4.000 mét.
Đây là công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia, dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đi vào khai thác thương mại từ nửa đầu 2026, nhằm giảm tải áp lực cho Tân Sơn Nhất và đóng vai trò động lực phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ.