Hàng hóa - Giá cả

Giá sầu riêng hôm nay 1/7: Giữ giá ổn định, chờ động lực mới từ xuất khẩu

Kim Dung 01/07/2025 3:03

Giá sầu riêng hôm nay 1/7 không biến động so với cuối tháng 6. Thị trường giữ giá ổn định, dao động 25.000 – 84.000 đồng/kg, chưa xuất hiện tín hiệu tăng mới.

Giá sầu riêng trong nước hôm nay: Đi ngang ở cả ba miền, vùng thấp vẫn hiện hữu

Theo khảo sát từ chogia.vn, thị trường sầu riêng trong nước bước vào đầu tháng 7 với mặt bằng giá ổn định. Cụ thể, sầu riêng RI6 loại đẹp lựa tại khu vực miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ giữ nguyên trong khoảng 45.000 – 60.000 đồng/kg. Mức giá cho hàng xô RI6 phổ biến từ 25.000 – 28.000 đồng/kg, trong khi sầu riêng Thái loại đẹp dao động 76.000 – 84.000 đồng/kg, tùy địa phương.

sau249.jpg
Giá sầu riêng hôm nay 1/7 không biến động so với cuối tháng 6

Tại khu vực Tây Nguyên, nơi đang có diện tích sầu riêng tăng mạnh trong vài năm qua, giá RI6 đẹp chỉ ở mức 44.000 – 46.000 đồng/kg, và loại mua xô cũng duy trì mức thấp 25.000 – 28.000 đồng/kg. Đáng chú ý, một số vùng tại Lâm Đồng và Đắk Lắk báo giá chỉ còn 17.000 đồng/kg đối với sầu riêng sượng hoặc chất lượng thấp, gây áp lực lớn cho nông dân.

Loại Thái mua xô tại nhiều kho hàng trong cả ba vùng miền được thu mua quanh mức 40.000 – 48.000 đồng/kg, phản ánh nguồn cung vẫn ở mức cao trong khi sức tiêu thụ nội địa chưa cải thiện rõ rệt.

Thị trường quốc tế: Trung Quốc siết chuẩn, xuất khẩu chững lại – chất lượng trở thành ưu tiên sống còn

Theo Bangkok Post, xuất khẩu sầu riêng tươi từ Thái Lan sang Trung Quốc trong nửa đầu năm 2025 đã giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do thời tiết bất lợi khiến mùa vụ thu hoạch trễ gần 20 ngày, cộng thêm việc Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) áp dụng hàng loạt yêu cầu nghiêm ngặt hơn trong kiểm soát chất lượng.

Các nhà xuất khẩu phải chứng minh đủ điều kiện về đăng ký nhà đóng gói, chứng chỉ Global GAP, kiểm tra dư lượng hóa chất, cũng như đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe về an toàn thực phẩm. Quá trình kéo dài và phát sinh chi phí khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó trong việc giữ đơn hàng.

Tuy vậy, một số doanh nghiệp lớn như Platinum Fruits vẫn giữ được nhịp xuất khẩu ổn định nhờ đầu tư đồng bộ vào quy trình kiểm tra chất lượng. Công ty này yêu cầu kiểm tra đất, nước, côn trùng và nấm mốc tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO trước khi cho phép đóng gói, đồng thời xây dựng chuỗi minh bạch từ trang trại tới người tiêu dùng.

“Cạnh tranh thực sự không còn nằm ở giá rẻ hay sản lượng mà là niềm tin vào chất lượng và an toàn thực phẩm”, ông Natakrit Eamskul – Giám đốc điều hành Platinum Fruits – khẳng định tại sự kiện Asia Fruit Logistica Bangkok Meet Up.

Sầu riêng Việt cần hướng đến chuẩn hóa vùng trồng để cạnh tranh đường dài

Tại Việt Nam, giá sầu riêng trong nước vẫn giữ ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái – thời điểm xuất khẩu sang Trung Quốc đạt đỉnh. Một trong những nguyên nhân khiến giá không bật tăng trong mùa vụ năm nay là do yêu cầu của phía Trung Quốc ngày càng siết chặt, trong khi nhiều vùng trồng ở Tây Nguyên và miền Tây chưa chuẩn hóa vùng nguyên liệu và hồ sơ GAP, truy xuất nguồn gốc.

Diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam đã vượt mốc 178.000 ha, tăng gấp 5 lần so với năm 2015, sản lượng hơn 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên, nếu không đi kèm với chiến lược hậu kiểm chất lượng, nhiều vùng có thể rơi vào tình trạng “hàng không đạt chuẩn – không thể xuất khẩu – phải bán tháo nội địa”.

Bài học từ Thái Lan cho thấy, việc phối hợp giữa doanh nghiệp – nông dân – cơ quan quản lý trong kiểm soát dư lượng và đảm bảo truy xuất nguồn gốc là điều kiện tiên quyết để giữ vững vị thế ở thị trường lớn như Trung Quốc.

Kim Dung