Giữa nắng hè đổ lửa, nông dân Hà Tĩnh "thu vàng" từ thứ ngọt ngào, tự dựng thương hiệu nổi tiếng, thu nhập lên đến 9 chữ số
Nông dân Hà Tĩnh đang tạo nên làn sóng chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, xây dựng nên thương hiệu và nâng cao thu nhập.
Từ những giọt mật đậm hương đến sinh kế bền vững
Khi nắng hè trải dài trên những triền đồi Hương Sơn (Hà Tĩnh), cũng là lúc người nông dân nơi đây bước vào mùa thu hoạch mật ong – một trong những hoạt động sản xuất đặc trưng của vùng trung du miền sơn cước. Giữa không gian rợp bóng cây và thoảng hương hoa rừng, từng giọt mật óng vàng được quay ra không chỉ là kết tinh của thiên nhiên, mà còn là thành quả của sự kiên trì, hiểu nghề và gắn bó của người nông dân.

Ông Hồ Văn Bình (xã Quang Diệm) là một trong những người gắn bó lâu năm với nghề nuôi ong. Với 70 đàn ong, mỗi năm ông thu gần 800kg mật, mang lại thu nhập khoảng 160 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Nuôi ong không chỉ cần kỹ thuật mà phải có sự lắng nghe. Ong rất nhạy cảm với thời tiết và môi trường, nên phải hiểu tập tính của từng đàn mới có thể khai thác hiệu quả”.
Cũng tại xã Quang Diệm, ông Lê Khánh Ngọc chăm sóc 50 đàn ong mỗi ngày như những “người bạn nhỏ”. Mỗi mùa mật, ông thu hoạch khoảng 600 lít, thu về gần 120 triệu đồng. Ngoài mật, ông còn gây giống ong, cung cấp dụng cụ nuôi ong, tạo thêm nguồn thu ổn định. “Mỗi lần quay mật, tôi lại thấy lòng mình dịu lại. Được sống cùng thiên nhiên, cảm nhận nhịp sống của ong, hoa, đất trời – đó là điều khiến tôi gắn bó với nghề này đến bây giờ”, ông tâm sự.

Không chỉ mang lại thu nhập tốt, nghề nuôi ong còn giúp cải thiện tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho người dân. Họ học cách làm chủ quy trình sản xuất, đầu tư máy móc, tuân thủ kỹ thuật và nâng cao giá trị sản phẩm thông qua đóng gói, xây dựng thương hiệu.
Từ quy mô hộ gia đình đến hướng đi chuyên nghiệp
Không dừng lại ở những mô hình cá nhân, nghề nuôi ong tại Hương Sơn đang dần chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp và bền vững. Năm 2024, Hợp tác xã (HTX) Mật ong Cường Nga trở thành cơ sở đầu tiên của Hà Tĩnh đạt chuẩn OCOP 4 sao cho sản phẩm mật ong, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi ong tại địa phương.

HTX hiện có 18 thành viên với hơn 1.500 đàn ong. Từ khâu chọn giống, chăm sóc đến khai thác, chế biến và đóng gói đều được thực hiện theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giữ nguyên hương vị tự nhiên. Anh Nguyễn Văn Cường – Giám đốc HTX – cho biết: “HTX chúng tôi không chỉ bán mật, mà còn mở rộng sang ong giống, dụng cụ nuôi ong và tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật để bà con cùng nhau phát triển nghề”.
Tính từ đầu mùa khai thác đến nay, HTX đã thu hoạch hơn 12 tấn mật, phân phối rộng rãi qua các chuỗi thực phẩm sạch, sàn thương mại điện tử và đại lý trong – ngoài tỉnh. Nhờ quy trình chuẩn hóa và xây dựng thương hiệu rõ ràng, mật ong của HTX đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Một trường hợp khác là ông Nguyễn Trí Thức (xã Sơn Kim 2), người quyết định đầu tư mở rộng quy mô đàn ong lên 100 đàn và xây dựng nhà xưởng với máy móc hiện đại như máy hạ thủy phần, hút chân không, ép nhiệt... để nâng tầm sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Đây là ví dụ cho thấy xu hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp hàng hóa đang hình thành rõ nét tại vùng đất này.
Hướng tới nền nông nghiệp sinh thái và giá trị gia tăng
Thành công của những người nông dân nuôi ong ở Hương Sơn không chỉ dừng lại ở con số thu nhập, mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế gắn với sinh thái, bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững. Ong không chỉ hút mật – chúng còn góp phần thụ phấn cho cây cối, tăng năng suất và tạo sự đa dạng sinh học cho hệ sinh thái rừng.
Việc chuyển đổi nghề truyền thống sang mô hình HTX không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giúp tạo dựng liên kết giữa các hộ nông dân, từ đó mở rộng quy mô và đảm bảo đầu ra ổn định. Những mô hình như Cường Nga hay hộ ông Thức đang cho thấy, nếu có quy trình đúng đắn và tư duy kinh tế bài bản, nghề nông hoàn toàn có thể trở thành mũi nhọn phát triển ở vùng khó khăn.
Để phong trào phát triển sâu rộng, chính quyền địa phương cần tiếp tục đồng hành qua hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng kênh tiêu thụ, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, cũng như đẩy mạnh truyền thông về các mô hình tiêu biểu. Cùng với đó, việc xây dựng thương hiệu “Mật ong Hương Sơn” gắn với truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sẽ là yếu tố then chốt để cạnh tranh trên thị trường rộng lớn hơn.