TP. HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập: Liệu có “cộng dồn” quy hoạch hay sẽ viết lại từ đầu?
Theo đại biểu Quốc hội, TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã được phê duyệt quy hoạch và khi sáp nhập thì không thể cộng dồn 3 quy hoạch thành quy hoạch tỉnh mới.
Sáng 28/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại khi cho rằng dù Luật Quy hoạch đã được ban hành từ lâu và từng nhiều lần điều chỉnh, nhưng đến nay vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, gây ách tắc trong thực tiễn triển khai.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, triết lý của Luật Quy hoạch ban đầu là hướng đến sự thay đổi căn bản trong tư duy và cách lập quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế, khâu tổ chức thực hiện lại chưa bắt kịp được tinh thần mới, cách làm mới nên có phương pháp tiếp cận, phối hợp liên thông chưa quen.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, triển khai quy hoạch theo tinh thần mới thì cần “nhạc trưởng” nhưng hiện nay chưa có. Dự luật bổ sung thêm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch về việc cho phép quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có thể lập đồng thời. Tuy nhiên, đại biểu Hạ lo ngại chồng lấn xung đột giữa các quy hoạch khi triển khai song song các quy hoạch với nhau bởi sẽ thiếu thống nhất, xung đột về không gian, mục tiêu, chỉ tiêu…

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, việc sửa đổi luật trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào các chương, điều còn vướng mắc và nếu như vậy thì không giải quyết được vấn đề căn cơ.
Theo đại biểu Huân, điều quan trọng lúc này là cần mạnh dạn đánh giá toàn diện tính khả thi của Luật Quy hoạch hiện hành, nhất là trong bối cảnh một số tỉnh, thành phố sẽ tiến hành sáp nhập địa giới hành chính trong thời gian tới.
"Chúng ta không thể cộng 2 quy hoạch với nhau để thành 1 quy hoạch được", đại biểu Huân nói.
Lấy ví dụ từ thực tiễn, ông đề cập ba địa phương là TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đều đã được phê duyệt quy hoạch. Sắp tới sáp nhập 3 tỉnh thành này với nhau thì không thể áp dụng việc cộng dồn 3 quy hoạch lại thành 1 quy hoạch mới, bởi như vậy không thể triển khai được.
Bởi vì sáp nhập là để tạo ra một không gian phát triển mới, dữ liệu đầu vào đã thay đổi thì dữ liệu đầu ra của từng quy hoạch tỉnh trước đây không thể áp dụng được.
"Nếu chúng ta cố gắng làm để duy trì Luật Quy hoạch thì sẽ kìm hãm sự phát triển", đại biểu Huân nói.
Theo đại biểu Huân, các luật khác như Luật Xây dựng cũng đã có quy định rất chi tiết về quy hoạch ngành và đã có sự chồng lấn.
"Có những địa phương có những quỹ đất rất lớn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho sử dụng đất quy hoạch nhưng 10 năm nay không làm được. Gần đây nhất, khi hỏi đến thì vẫn đang chờ thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, việc này sẽ mất khoảng 6 tháng đến 1 năm. Như vậy chúng ta đang rất lãng phí nguồn lực", đại biểu Huân nêu.
Đại biểu Huân đề nghị Quốc hội, cơ quan soạn thảo, các cấp có thẩm quyền xem xét nên tạm dừng thực hiện Luật Quy hoạch một thời gian để đánh giá lại toàn diện hoặc chí ít dừng một số điều quy định trong luật nhưng đang rất vướng.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết trong thời gian tới, Luật Quy hoạch sẽ được sửa đồng bộ và tổng thể.