Sáp nhập chỉ là bước chuyển, Hà Tĩnh đã tính đường dài với 30 dự án mới và 150 triệu USD từ FDI
Hà Tĩnh đặt mục tiêu thu hút loạt dự án với tổng vốn đầu tư khủng trong năm 2025, đồng thời phấn đấu hoàn thành 100% giải ngân vốn đầu tư công.
Hướng đi có chọn lọc trong xúc tiến đầu tư
Theo Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2025 vừa được UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành, địa phương định hướng tập trung thu hút các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng. Mục tiêu là tạo nên giá trị gia tăng lớn và tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, đặc biệt trong các lĩnh vực có thế mạnh hoặc còn dư địa phát triển như công nghiệp, thương mại, logistics và dịch vụ.

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh đặt ưu tiên chọn lọc nhà đầu tư có thương hiệu, năng lực tài chính và cam kết gắn bó lâu dài. Tỉnh kỳ vọng trong năm 2025 sẽ thu hút trên 30 dự án với tổng vốn đầu tư trong nước đạt khoảng 30.000 tỷ đồng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 150 triệu USD. Một số dự án trọng điểm đang trong quá trình xúc tiến gồm Khu công nghiệp phía Tây TP Hà Tĩnh, Khu công nghiệp Hạ Vàng, Kỳ Trinh – Kỳ Thịnh, Bắc Hồng Lĩnh, nhà ở xã hội tại phường Thạch Trung, trung tâm kho cảng LNG tại Khu kinh tế Vũng Áng, và các cụm công nghiệp địa phương khác.
Công tác xúc tiến đầu tư cũng được triển khai toàn diện với tám nhóm hoạt động, bao gồm nghiên cứu thị trường, quảng bá môi trường đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư, xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư, xây dựng tài liệu xúc tiến, đào tạo cán bộ chuyên trách và tăng cường hợp tác quốc tế. Các đối tác chiến lược được Hà Tĩnh hướng đến bao gồm các tập đoàn lớn trong nước đã ký kết hợp tác tại Hội nghị xúc tiến đầu tư gần đây, cùng các doanh nghiệp đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Song song với việc thu hút đầu tư, Hà Tĩnh cũng đặt mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức cuối năm. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công điện yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư và ban quản lý dự án khẩn trương thực hiện các chỉ đạo từ trung ương đến địa phương nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn.
Tỉnh đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tuần, tháng, quý và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công. Những dự án có tiến độ giải ngân chậm sẽ bị điều chuyển vốn sang các dự án có khả năng thực hiện nhanh hơn, trong khi các lãnh đạo được phân công phải chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả giải ngân.
Cơ chế “6 rõ” được áp dụng để nâng cao hiệu quả đầu tư công: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hiện trường, kịp thời tháo gỡ các khó khăn về đất đai, tài nguyên, hồ sơ thủ tục để đẩy nhanh nghiệm thu và thanh toán.
Trong lĩnh vực tài chính, Sở Tài chính được giao nhiệm vụ làm việc với Bộ Tài chính về phương án xử lý phần vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ chi tiết, đồng thời tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn từ các nguồn như bội chi ngân sách địa phương và tiền sử dụng đất, điển hình là 63 tỷ đồng dự kiến dành cho Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh.
Quản lý chặt chẽ và tăng cường giám sát
Các đơn vị như Chi cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và các ban quản lý dự án được yêu cầu phối hợp chặt chẽ để tăng hiệu quả sử dụng vốn. Việc thanh toán phải được thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch và thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Những tổ chức, cá nhân gây chậm trễ, nhũng nhiễu hoặc có biểu hiện tiêu cực trong quản lý đầu tư công sẽ bị xử lý nghiêm.
Tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hằng tuần về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm bám sát thực tế và kịp thời điều chỉnh chính sách. Các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân đầu tư công tại các địa phương, đơn vị cũng được thành lập để xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền, thúc đẩy giải ngân đồng bộ trên toàn tỉnh.
Với các bước đi đồng bộ trong thu hút đầu tư và giải ngân vốn công, Hà Tĩnh đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm 2025, đồng thời cải thiện rõ rệt các chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), cải cách hành chính (PAR INDEX), quản trị công (PAPI), hài lòng người dân (SIPAS) và đổi mới sáng tạo (PII), góp phần nâng cao vị thế phát triển của tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ.
HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã tổ chức Kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền. Tại kỳ họp đã thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh sẽ giảm từ 209 đơn vị hành chính (ĐVHC) xuống còn 69 ĐVHC gồm 9 phường, 60 xã giảm 140 đạt tỷ lệ giảm 67%.. Trong đó, 2 xã giữ nguyên, 67 xã, phường thuộc diện sắp xếp.
Việc sắp xếp sẽ góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ, bền vững của các địa phương, đồng thời đảm bảo chính quyền "gần dân, sát dân" hơn. Trong quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị tại Hà Tĩnh đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến, lắng nghe Nhân dân, đảm bảo sự đồng thuận cao.