Giá vàng hôm nay 27/5/2025: Đúng như dự báo, thị trường lao dốc sau bài toán siết biên
Một động thái từ cơ quan quản lý đã khiến giá vàng đảo chiều, hé lộ những thay đổi lớn đang âm thầm định hình lại cuộc chơi.
Giá vàng trong nước
Thị trường vàng trong nước mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (ngày 26/5) với những diễn biến bất lợi khi kim loại quý liên tục sụt giảm, đặc biệt ở cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999. Đà giảm không dừng lại giữa phiên mà kéo dài đến tận cuối ngày, tạo nên một ngày giao dịch ảm đạm hiếm thấy.

Cụ thể, giá vàng miếng SJC lại một lần nữa đánh mất mốc 120 triệu đồng/lượng. Tại thời điểm chốt phiên, các doanh nghiệp lớn như SJC, DOJI, PNJ hay Bảo Tín Minh Châu đều điều chỉnh giá bán xuống còn từ 116,5 – 119 triệu đồng/lượng, tương ứng giảm 2,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán ra được nới rộng lên mức 2,5 triệu đồng mỗi lượng.
Không chỉ vàng miếng, vàng nhẫn cũng rơi vào xu hướng giảm. tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 ở mức 114,7 – 117,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tức giảm tới 800.000 đồng so với buổi sáng. Tại Công ty SJC, giá vàng nhẫn hiện chỉ còn 111,5 – 114,5 triệu đồng/lượng, giảm thêm nửa triệu đồng/lượng so với đầu phiên.
Trong khi đó, DOJI đưa giá vàng nhẫn về vùng 108 – 112 triệu đồng/lượng, còn PNJ tạm thời giữ nguyên khung giá 112 – 115 triệu đồng/lượng, dù thị trường chung đang chìm trong sắc đỏ.
Đúng như dự báo từ trước đó, diễn biến lao dốc của giá vàng trong nước diễn ra ngay sau khi Chính phủ có chỉ đạo khẩn liên quan đến thị trường vàng. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hành động nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới xuống còn 1 – 2%, thay vì để mức chênh lệch lên tới hơn 10% như thời gian qua.
Các biện pháp được chỉ đạo gồm đẩy mạnh kiểm soát cung – cầu, tăng cường thanh tra, chống buôn lậu và chấn chỉnh tình trạng đầu cơ, găm hàng. Cùng với đó, Thủ tướng cũng yêu cầu sửa đổi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng, đồng thời thiết lập cơ sở dữ liệu minh bạch về thị trường vàng, với hạn chót hoàn thành trong tháng 6.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu khả năng thành lập sàn giao dịch vàng, cho phép người dân được giao dịch một cách minh bạch và tự do hơn – một động thái được kỳ vọng sẽ thay đổi cục diện thị trường vàng trong nước trong thời gian tới.
Giá vàng quốc tế
Trong phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ dài ba ngày tại Mỹ (bao gồm cuối tuần và ngày Memorial Day 26/5), giá vàng quốc tế đã phục hồi mạnh mẽ và giữ vững trên mốc 3.300 USD/ounce. Cụ thể, theo ghi nhận đến ngày 23/5, giá vàng giao ngay đạt 3.361,21 USD/ounce, tăng gần 5% so với đầu tuần, đánh dấu sự phục hồi của kim loại quý này.
Dù vậy, giá vàng trên thị trường quốc tế đã tiếp tục giảm nhẹ trong phiên đầu tuần. Cập nhật tại thời điểm 00h45 ngày 27/5, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 3.341,43 USD/ounce, giảm 17,18 USD/ounce so với 24 giờ trước đó.
Dù chưa thể chạm lại đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng trước, nhưng diễn biến trong tuần qua cho thấy sức hấp dẫn của vàng vẫn rất mạnh mẽ. Trong bối cảnh tâm lý bất ổn bao trùm các thị trường tài chính lớn, nhiều nhà đầu tư đã quay lại với vàng như một nơi trú ẩn an toàn. Cú hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ bởi Moody’s hồi cuối tuần trước đã trở thành chất xúc tác chính cho làn sóng dịch chuyển dòng tiền ra khỏi đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ.
Đáng chú ý, kết quả đấu giá trái phiếu 20 năm của Bộ Tài chính Mỹ vào giữa tuần không như kỳ vọng, đã khiến lợi suất trái phiếu 30 năm bật lên trên 5%. Điều này kéo theo sự suy yếu của đồng bạc xanh, với chỉ số USD Index giảm xuống mức thấp nhất trong ba tuần – khoảng 99 điểm.
Theo ông Chris Weston – Giám đốc Nghiên cứu tại Pepperstone, trong bối cảnh áp lực lạm phát, chi phí lãi vay tăng và thâm hụt ngân sách của Mỹ ngày càng lớn, sự dịch chuyển lợi suất lên cao đang gây bất lợi cho thị trường chứng khoán và đồng USD, nhưng lại trở thành yếu tố hỗ trợ cho giá vàng và cả tiền số như Bitcoin.
Dự báo giá vàng
Mặc dù vàng đang được xem là tài sản phòng thủ hấp dẫn trong giai đoạn hiện tại, một số chuyên gia vẫn cảnh báo về khả năng xảy ra điều chỉnh ngắn hạn. Chuyên gia phân tích cấp cao David Morrison của Trade Nation cho rằng, câu chuyện vàng tăng chưa chắc đã có một cái kết “màu hồng”. Theo ông, sự yếu đi của đồng USD và tâm lý tiêu cực với trái phiếu Mỹ có thể không đủ để giữ đà tăng nếu thị trường đón nhận tin tức kinh tế tích cực.
Đồng quan điểm, Giáo sư Thorsten Polleit – nhà sáng lập báo cáo Boom & Bust và giảng viên tại Đại học Bayreuth (Đức) – nhấn mạnh rằng vàng đang chịu tác động từ hai lực kéo trái chiều: một bên là lo ngại suy thoái kinh tế, bên còn lại là những dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ vẫn giữ được độ ổn định nhất định. Do đó, không thể loại trừ khả năng giá vàng sẽ có những bước lùi và kiểm định lại ngưỡng 3.000 USD/ounce nếu xuất hiện thông tin tích cực từ thị trường lao động hoặc các thỏa thuận thương mại mới.
Tuy nhiên, với cái nhìn dài hạn, GS. Polleit cho rằng bất kỳ nhịp điều chỉnh nào cũng sẽ mở ra cơ hội mua vào hấp dẫn. Theo ông, mức nợ công khổng lồ của Mỹ và sự xói mòn niềm tin vào trái phiếu chính phủ sẽ là những yếu tố then chốt giúp giá vàng duy trì xu hướng tăng bền vững trong thời gian tới.