Mô hình mới

Biến hóa cách trồng, nông dân Bình Định làm giàu từ giống trái "ăn vào thét ra lửa", mỗi héc-ta cho thu nhập nửa tỷ đồng

Ngọc Linh 26/05/2025 19:00

Nông dân Phù Cát - Bình Định đã thu được kết quả tích cực từ mô hình mới lạ, giúp nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng nông sản và cải thiện đáng kể thu nhập.

Canh tác an toàn, hướng đến phát triển bền vững

Trong vụ Đông Xuân 2024–2025, nông dân tại xã Cát Minh, huyện Phù Cát (Bình Định) đón nhận cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng an toàn và hiệu quả hơn, nhờ vào dự án hỗ trợ trồng thâm canh cây ớt theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp Trung tâm Khuyến nông triển khai, với quy mô 2 ha tại thôn Trung Chánh, và được kỳ vọng là một bước đệm quan trọng trong chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của địa phương.

người nông dân Bình Định vui vẻ trên cánh đồng ớt của nhà
Người nông dân Bình Định vui vẻ trên cánh đồng ớt chuẩn VietGap của nhà mình (Ảnh: Báo Bình Định)

Tham gia mô hình có 18 hộ dân, được hỗ trợ 50% chi phí giống, phân hữu cơ vi sinh, vôi và thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh; đồng thời được tài trợ 100% chi phí đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP. Không chỉ hỗ trợ vật tư, các cán bộ kỹ thuật còn đồng hành xuyên suốt quá trình sản xuất – từ khâu chọn giống, làm đất đến chăm sóc, thu hoạch và sơ chế sản phẩm.

Theo kỹ sư Nguyễn Đình Toàn – cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát, sản xuất theo chuẩn VietGAP không chỉ tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt mà còn đòi hỏi nông dân có ý thức cao trong việc ghi chép nhật ký canh tác, kiểm soát dư lượng hóa chất và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Điều này không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng mà còn nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm ớt khi đưa ra thị trường.

Giống mới, năng suất cao, hiệu quả kinh tế vượt trội

Mô hình sử dụng giống ớt chỉ thiên lai F1 699 GoLD – một loại giống có tỷ lệ nảy mầm cao, sinh trưởng mạnh, kháng tốt với các loại sâu bệnh phổ biến như bọ trĩ, sâu đục quả, bệnh thán thư, héo xanh... Qua theo dõi cho thấy, tỷ lệ mọc giống đạt trên 90%, tình trạng sâu bệnh ở mức nhẹ và không ảnh hưởng đáng kể đến năng suất.

Cây ớt cho trái dài trung bình từ 7–7,5cm, hình dáng đẹp, đồng đều. Năng suất bình quân đạt khoảng 220 tạ/ha, cao hơn 20 tạ so với mô hình đối chứng sản xuất theo cách truyền thống. Quan trọng hơn, lợi nhuận trung bình đạt 522 triệu đồng/ha, cao hơn 81 triệu đồng/ha so với mô hình không áp dụng VietGAP.

Ông Lê Hoàng Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát nhận định: “Việc áp dụng VietGAP không chỉ nâng cao năng suất mà còn mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Quan trọng hơn, mô hình giúp nông dân thay đổi nhận thức trong sản xuất, chú trọng hơn đến an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.”

Định hướng nhân rộng và xây dựng nông thôn mới

Kết quả từ mô hình thí điểm trồng ớt VietGAP cho thấy, khi có sự hỗ trợ đúng mức về kỹ thuật và chính sách, nông dân hoàn toàn có thể làm chủ quy trình sản xuất hiện đại. Không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn cho thị trường, mô hình còn giúp ổn định thu nhập và mở ra hướng phát triển bền vững cho các vùng trồng cây gia vị, cây công nghiệp ngắn ngày.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng mô hình ra các xã lân cận, đặc biệt là những vùng có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, mô hình còn hướng tới xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho người trồng ớt.

Ngọc Linh