Nhân sự tăng mạnh sau khi lên sàn, một doanh nghiệp tại Hà Nam ghi nhận những chuyển động trái chiều
Sau khi lên sàn, một doanh nghiệp ở Hà Nam ghi nhận những chuyển động trái chiều trong hoạt động kinh doanh.
Công ty CP Tứ Hải Hà Nam (UPCoM: THM) có địa chỉ tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, được thành lập năm 2010 với mô hình ban đầu là doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực gia công hàng dệt may xuất khẩu. Trong giai đoạn đầu, công ty từng bước đầu tư thiết bị, mở rộng nhà xưởng và tích lũy khách hàng quốc tế nhờ đáp ứng yêu cầu chất lượng từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.

Đến năm 2020, quy mô doanh thu và hệ thống sản xuất đạt ngưỡng tăng trưởng đủ lớn, công ty bắt đầu chuẩn bị chuyển đổi mô hình. Tháng 8/2020, THM tăng vốn điều lệ lên hơn 92 tỷ đồng, đến năm 2023 chính thức cổ phần hóa và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán THM, vốn điều lệ lúc niêm yết là 110,48 tỷ đồng. Trong năm 2024, công ty tiếp tục phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, nâng vốn điều lệ lên 121,5 tỷ đồng.
Bước vào năm đầu sau khi niêm yết, Tứ Hải Hà Nam đạt doanh thu thuần 134,7 tỷ đồng, vượt 3,6% so với kế hoạch và tăng gần 70% so với năm 2023. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ gia tăng đơn hàng gia công dệt may xuất khẩu, nhất là trong quý IV/2024 khi thị trường phục hồi nhu cầu.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 6,46 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023, tương đương hoàn thành 80,7% kế hoạch năm. Có thể thấy, tốc độ tăng chi phí vận hành đang nhanh hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu tại doanh nghiệp này.
Nguyên nhân chủ yếu do chi phí nhân công tăng do công ty mở rộng quy mô sản xuất, nâng số lượng lao động từ 368 người lên 484 người trong năm 2024.
Ngoài ra, Giá nguyên vật liệu và phụ kiện nhập khẩu tăng, đặc biệt khi tỷ giá biến động; chi phí tài chính và chi phí bán hàng cũng tăng mạnh, làm giảm hiệu quả biên lợi nhuận.
Biên lợi nhuận ròng năm 2024 giảm còn 4,79%, so với 8,14% năm trước. Điều này cho thấy doanh nghiệp chưa có khả năng kiểm soát tốt các biến động chi phí đầu vào.
Tính đến cuối năm 2024, THM sở hữu tổng tài sản 175,6 tỷ đồng, tăng 0,52% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn (gần 87%). Một số chỉ số tài chính quan trọng được cải thiện:
- Hệ số thanh toán ngắn hạn tăng từ 1,82 lên 2,14, cho thấy công ty đảm bảo tốt nghĩa vụ nợ ngắn hạn;
- Vòng quay hàng tồn kho tăng vọt từ 15,96 lên 97,14 vòng/năm, phản ánh tốc độ lưu chuyển hàng hóa nhanh hơn rõ rệt, góp phần cải thiện dòng tiền hoạt động;
- Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm từ 0,43 xuống 0,36, đồng thời nợ phải trả cuối kỳ cũng giảm 10,6% còn hơn 46,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiệu suất sử dụng vốn còn thấp. Chỉ số lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân là 3,69%, và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 1,14%, mức khá khiêm tốn trong ngành.
THM hiện duy trì năng lực sản xuất khoảng 3 triệu sản phẩm/năm, tập trung vào hàng may mặc xuất khẩu, với đối tác là các thương hiệu quốc tế như Zara, Bershka, Pull&Bear... Nhà máy đặt tại KCN Châu Sơn (Phủ Lý, Hà Nam), hoạt động gia công theo đơn đặt hàng là mô hình chính.
Công ty chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phần lớn vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Điều này khiến biến động tỷ giá và giá nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí sản xuất.
Trong năm 2025, THM đặt mục tiêu doanh thu 150 tỷ đồng (tăng 11,3%) và lợi nhuận sau thuế 9 tỷ đồng (tăng 39,4%). Dù không có kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng nhà máy, công ty kỳ vọng sẽ cải thiện biên lợi nhuận thông qua kiểm soát chi phí và nâng chất lượng đơn hàng.
Tuy nhiên, kết thúc quý đầu năm 2025, THM ghi nhận doanh thu đạt 10,53 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên công ty vẫn lỗ sau thuế 1,8 tỷ đồng (quý 1/2024 cũng lỗ 2,1 tỷ đồng).
Theo giải trình, THM cho biết nguyên nhân chủ yếu đến từ yếu tố mùa vụ và đặc thù của khách hàng xuất khẩu. Theo đó, phần lớn đơn hàng được sản xuất trong quý I nhưng lại có thời điểm giao hàng và xuất hóa đơn vào đầu quý II, khiến doanh thu quý I thấp hơn so với các quý khác. Trong khi đó, các khoản chi phí cố định như nhân sự, vận hành vẫn duy trì khiến kết quả kinh doanh quý I ghi nhận lỗ.
Hiện tại, THM không có công ty con hay liên kết, doanh nghiệp vẫn đang giữ mô hình kinh doanh đơn giản, tập trung khai thác hết công suất hiện có thay vì đầu tư thêm tài sản cố định.